Thứ Sáu | 14/08/2015 18:52

Doanh nghiệp Trung Quốc khốn khó vì nhân dân tệ mất giá

Nhân dân tệ liên tục mất giá vài ngày qua khiến các công ty Trung Quốc thiệt hại hàng tỷ USD, trong bối cảnh nợ gia tăng và kinh tế chậm lại.

Những năm gần đây, lãi suất cực thấp trên toàn cầu và thị trường tín dụng trong nước thắt chặt khiến nhiều công ty Trung Quốc phải tìm đến các khoản vay giá rẻ từ nước ngoài. Từ năm 2010, các khối nợ bằng USD của các doanh nghiệp Trung Quốc - từ người khổng lồ dầu mỏ quốc doanh cho đến các công ty bất động khát vốn - đang gia tăng nhanh chóng.

Giờ đây, khi nhân dân tệ (NDT) suy yếu, khối nợ nước ngoài này trở nên đắt đỏ hơn, trong khi hầu hết các công ty Trung Quốc không có quỹ phòng hộ rủi ro ngoại hối vì việc này rất tốn kém và hầu hết đều cho rằng NDT sẽ không bị phá giá.

Theo số liệu của hãng nghiên cứu Dealogic, khối nợ của các công ty Trung Quốc, kể cả trái phiếu, hiện lên đến 367,7 tỷ USD. Giá trị lượng trái phiếu niêm yết bằng USD phát hành mới giai đoạn 2009-2014 tăng 5 lên 135 tỷ USD.

Dù quy mô thị trường nợ quốc tế mới chỉ bằng một phần nhỏ so với 18.000 tỷ USD nợ trong nước, song NDT mất giá 3% từ hôm thứ Ba 11/8 cũng khiến khối nợ đè lên vai các công ty nặng thêm tới 11 tỷ USD.

Điều an ủi duy nhất là đây chỉ là con số thua lỗ tính toán trên giấy và sẽ không làm suy yếu luồng tiền mặt của các công ty cho đến khi các khoản nợ đáo hạn và con nợ phải thanh toán nợ gốc - phần lớn sẽ phải thực hiện trong 2 năm nữa. Và lúc đó, NDT có thể tăng giá trở lại.

Xu hướng hiện tại đáng báo động nhất đối với các công ty có mức xếp hạng tín nhiệm thấp với sức khỏe tài chính yếu kém. Trong số đó, các hãng bất động sản đi vay mạnh tay nhất trên thị trường quốc tế. Để kiềm chế cơn sốt địa ốc trong nước, Bắc Kinh mới đây đã cấm rất nhiều công ty bất động sản huy động vốn từ thị trường trong nước, hoặc cho phép họ vay nhưng với lãi suất trên trời. Việc này đã buộc doanh nghiệp phải tìm vốn nơi khác.

Hãng bất động sản Glorious Property trụ sở tại Thượng Hải là một ví dụ. Hãng này đã vay 300 triệu USD trái phiếu hồi tháng 10 năm ngoái. Với việc NDT mất giá 3%, hãng bất động sản này cần phải thanh toán thêm 57 triệu NDT (8,9 triệu USD) so với 3 ngày trước khi NDT phá giá.

Trong báo cáo gần đây, ngân hàng Jefferies cho biết, 40% tổng nợ của các hãng bất động sản là bằng USD hoặc đôla Hong Kong tính đến thời điểm cuối năm 2014. Khi nghĩa vụ trả nợ tăng, tỷ lệ nợ của các công ty cũng tăng theo, làm tăng nguy cơ bị đánh tụt xếp hạng tín nhiệm.

Nhiều nhà phân tích đang hạ dự báo về giá trị NDT. Societe Generale dự đoán tỷ giá NDT/USD sẽ tăng lên 6,6 NTD/USD vào cuối năm nay, đồng nghĩa NDT sẽ giảm 3% từ mức hiện nay 6,3995 NDT/USD. Từ đầu năm đến nay, NDT đã giảm 3% so với USD.

Ngoài gánh nặng nợ nần, việc kinh doanh bất động sản cũng sẽ gặp khó khăn. Do đồng NDT mất giá sẽ khiến nhà đầu tư vội vàng rút tiền ra khỏi thị trường này.

Giá bất động sản ở Trung Quốc liên quan rất chặt chẽ với giá NDT. Trong giai đoạn 2005-2014, NDT mạnh lên, và giá bất động sản cũng tăng. Khi đó, nhà đầu tư đua nhau đổ tiền vào bất động sản với kỳ vọng NDT sẽ tiếp tục tăng giá. Tuy nhiên, diễn biến gần đây có thể sẽ chặn đứng xu hướng này. Theo giới phân tích, giá bất động sản tại những thành phố hạng ba và tư có thể biến động trong tương lai gần.

Giá nhà tại Trung Quốc đã giảm liên tục 3 tháng liên tiếp tính đến tháng 7 bất chấp việc Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã hạ lãi suất 4 lần và bơm thêm tiền mặt vào các thị trường nhằm tăng thanh khoản.

Nhật Trường

Nguồn WSJ