Thứ Hai | 17/10/2016 12:05

Doanh nghiệp Trung Quốc dùng hồ sơ giả để mua AC Milan

Từ đầu năm 2015 tới nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đổ hơn 2 tỷ USD vào các CLB bóng đá châu Âu.

Gần đây, một nhóm nhà đầu tư bí ẩn đến từ Trung Quốc đã tiếp cận câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng thế giới AC Milan (Ý) với đề nghị mua lại CLB này. Trong số các văn bản mà nhóm này đưa ra là một bản sao kê tài khoản với giá trị gần 127 triệu USD tại Ngân hàng Giang Tô (Bank of Jiangsu). Bản sao kê này đưa ra con số chính xác tới từng dấu phẩy (852.468.304,56 NDT), cộng thêm con dấu ghi rõ 4h14’ chiều ngày 25-4-2016.

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Giang Tô vừa cho biết với Bloomberg, đây là một bản sao kê hoàn toàn giả mạo. Sau khi được hỏi về việc này, nhóm nhà đầu tư mang tên Công ty Quản lý Đầu Tư Thể thao Trung Quốc – Châu Âu (SESIMC) đã giải thích với Bloomberg rằng “chúng tôi không xác nhận việc đã gửi một văn bản như vậy”.

Dẫn đầu bởi một doanh nhân mang tên Li Yonghong, SESIMC đã ký hợp đồng mua lại AC Milan từ công ty Fininvest của ông chủ Silvio Berlusconi hồi tháng 8 vừa qua với gia 828 triệu USD. Hiện tại, vẫn chưa ai biết việc khám phá ra SESIMC có dùng giấy tờ giả sẽ ảnh hưởng như thế nào tới thương vụ này.

Việc xuất hiện các văn bản giả mạo kiểu này cho thấy làn sóng M&A đến từ Trung Quốc có nhiều mối nguy tiềm ẩn đáng lo. Trong 9 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp Trung Quốc lần đầu thực hiện M&A ở nước ngoài đã chi ra tới 51,5 tỷ USD, một con số kỷ lục và cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh nghiep Trung Quoc dung ho so gia de mua AC Milan
Lượng vốn đổ ra bởi các doanh nghiệp Trung Quốc lần đầu làm M&A ở nước ngoài. Ảnh: Bloomberg

Ông Thilo Hanemann, quản lý của công ty nghiên cứu Rhodium Group, nhận xét: “Khá nhiều khoản đầu tư đến từ Trung Quốc hiện nay là của các cá nhân không thuộc một tổ chức có tiếng tăm nào cả. Chúng tôi đã thấy khá nhiều thương vụ khiến người ta phải gãi đầu tự hỏi xem người mua là ai vậy”.

Trong thương vụ SESIMC mua lại AC Milan, công ty Fininvest cũng đã nhận thấy nhiều điều khó hiểu. Theo nguồn tin của Bloomberg, các nhà đầu tư trong nhóm SESIMC liên tục tìm cách qua mặt nhau, và Fininvest cũng không rõ rốt cuộc là họ đang thỏa thuận với ai. Ông Li Yonghong thì ban đầu là một thành viên trong nhóm, nhưng sau đó lại “ly khai” ra với một cái giá riêng mà không cho những người còn lại biết. Khi SESIMC đồng ý mua AC Milan, thì thực ra lúc đó họ vẫn chưa có đủ tiền, và hiện đang xoay xở tìm kiếm các đối tác mới với hy vọng sẽ hoàn tất thương vụ trước cuối năm nay.

Doanh nghiep Trung Quoc dung ho so gia de mua AC Milan
Các thương vụ M&A của Trung Quốc vào các CLB bóng đá châu Âu. Ảnh: Bloomberg

Từ đầu năm 2015 tới nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đổ hơn 2 tỷ USD vào các CLB bóng đá châu Âu. Nếu Li Yonghong thành công trong thương vụ thâu tóm AC Milan, thì cả 2 đội bóng của thành Milan đều sẽ thuộc về người Trung Quốc: hồi tháng 6 vừa qua, Suning Holdings Group đã trở thành cổ đông chính của Inter Milan với cái giá 307 triệu USD.

Tương lai của các đội bóng này trong tay các ông chủ Trung Quốc có thể sẽ có khá nhiều rủi ro. Mới đây, công ty Tech Pro Technology của Hongkong, vốn đã mua lại CLB Sochaux-Montbeliard của Pháp từ tay Peugeot hồi năm ngoài, đã bị rớt giá cổ phiếu tới 92%. Chủ tịch Li Wing Sang của hãng này cũng đang bị đối mặt với đơn xin phá sản.

Tuấn Minh

Nguồn Bloomberg