Doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc chật vật vì cơn bão giảm giá
Theo báo cáo, giá xuất xưởng của Trung Quốc - thước đo giá cả các sản phẩm trước khi chúng tới được tay người tiêu dùng - giảm 2,4% trong tháng, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2012, trong đó các sản phẩm kim loại và hóa chất giảm mạnh nhất.
Các nhà kinh tế nhận định, tình trạng này có thể làm tăng lo ngại về tình trạng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc, bởi giá xuất xưởng giảm khiến các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và hàng hóa gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tạo lợi nhuận, trả nợ và thanh toán đúng thời hạn cho các nhà cung cấp.
Ngoài ra, giảm phát trong ngành công nghiệp cũng phản ánh tình trạng dư thừa sản phẩm trong một số ngành công nghiệp lớn của Trung Quốc, như thép, than đá, thủy tinh, nhôm, pin mặt trời hay xi măng.
Mặc dù vậy, các nhà kinh tế cho rằng tình trạng giảm phát ở Trung Quốc phần nào đó làm lợi cho người tiêu dùng cũng như cho nền kinh tế vì nó giúp giữ giá tiêu dùng ở mức thấp. Tháng 7/2005, lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc đạt mức đỉnh 6,5%, song kể từ đó liên tục giảm dần đều và hiện ở mức 2,4%.
Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp sản xuất nói riêng và ngành công nghiệp Trung Quốc nói chung, đây không phải là một tín hiệu đáng mừng.
Tập đoàn sản xuất nhôm Trung Quốc Chinalco mới đây công bố lỗ 975 triệu nhân dân tệ (158 triệu USD) trong quý I/2013 trong khi doanh thu chỉ tăng 1,9%. Chinalco cho biết nguyên nhân thua lỗ là do hơn 90% sản phẩm nhôm được sản xuất tại Trung Quốc liên tục mất giá, chưa kể tình trạng tồn kho quá lớn khiến giá nhôm không thể tăng trở lại trong thời gian gần.
Trong một số lĩnh vực sản xuất khác của Trung Quốc, giá cả hàng hóa toàn cầu giảm là nguyên nhân chính khiến giá sản xuất thấp hơn so với trước kia do chi phí đầu vào giảm, các doanh nghiệp cho biết. Chẳng hạn, giá dầu thô không tăng nhiều trong năm qua khiến chi phí sản xuất quặng sắt của Trung Quốc giảm khoảng 7,3%.
Một số nhà kinh tế kỳ vọng chính phủ Trung Quốc sẽ tăng cường các khoản kích thích đầu tư
|
Chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Cornell Eswar Prasad cho biết: "Việc tăng chi tiêu đầu tư sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng kinh tế và khiến giá sản xuất giảm thê thảm hơn do các công ty được đầu tư sẽ tăng cường sản xuất, qua đó khiến tình trạng dư thừa ngày càng nghiêm trọng hơn".
Ông Prasad cho rằng cách tốt nhất là chính phủ Trung Quốc nên tìm cách cắt giảm năng xuất công nghiệp, kết hợp với kích thích nhu cầu tiêu dùng.
Đóng cửa nhà máy và sa thải nhân công, một cách hữu hiệu để đối phó với tình trạng dư thừa và giảm giá, từng được một số chuyên gia đề cập. Tuy nhiên, cách làm này vấp phải khá nhiều sự phản đối từ các nhà chính trị.
Nguồn WSJ/Dân Việt
tình trạng giá sản xuất giảm không phải là một tín hiệu đáng mừng.