Doanh nghiệp sản xuất mỳ Trung Quốc tìm cách đẩy hàng sang thị trường mới
Với hàng triệu người lao động Trung Quốc, mì ăn liền là một lựa chọn tiện lợi cho bữa ăn, với giá chỉ vài nghìn đồng và được bán ở mọi cửa hàng tạp hóa trên cả nước. Những năm tháng kinh tế bùng nổ của Trung Quốc chính là khoảng thời gian ăn nên làm ra của các công ty mì ăn liền ở nước này. Từ năm 2003 đến 2008, doanh số mì ăn liền hàng năm của Trung Quốc đã tăng từ 4,2 tỷ USD lên 7,1 tỷ USD.
Nhưng khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nhu cầu tiêu thụ mì ăn liền cũng giảm theo. Đầu năm nay, Tingyi, nhà sản xuất mì ăn liền lớn nhất Trung Quốc đã bị loại khỏi chỉ số Hang Seng của sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông, sau khi lợi nhuận của công ty này giảm 60%. Doanh số mì ăn liền của Trung Quốc đã giảm 6,75% trong năm nay, năm sụt giảm thứ tư liên tiếp.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân thứ nhất dẫn đến sự sụt giảm trên là nhân khẩu học. Các công ty mì ăn liền Trung Quốc đã tăng trưởng cùng lúc với sự bùng nổ kinh tế ở nước này, được thúc đẩy bởi làn sóng di cư của người lao động từ nông thôn ra thành thị.
Tuy nhiên, nhóm dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đã bắt đầu sụt giảm từ năm 2010. Và vào năm 2015, tổng số dân nhập cư ở Trung Quốc đã giảm lần đầu tiên trong 30 năm. Với việc nhiều công nhân trở lại quê nhà ở vùng nông thôn hơn, nhu cầu tiêu thụ mì ăn liền đã không còn lớn như trước nữa.
Lý do thứ hai là sự thu hẹp của ngành sản xuất Trung Quốc. Trong năm 2015, doanh số thực phẩm và hàng tiêu dùng giá rẻ ở Trung Quốc đã tụt xuống mức thấp nhất trong 5 năm. Sự sụt giảm này đặc biệt lớn ở nhóm sản phẩm dành cho người lao động chân tay, như bia giá rẻ và mì ăn liền. Điều này xảy ra do việc làm ở mảng sản xuất ở Trung Quốc đang chuyển dịch sang các nước có lương nhân công thấp hơn như Việt Nam.
Nỗi buồn của các nhà sản xuất mì ăn liền lại là niềm vui của những người khác. Lương nhân công tăng đã giúp cải thiện mức sống và kỳ vọng của hàng triệu lao động Trung Quốc. Nếu đến thăm một nhà máy ở miền nam Trung Quốc hiện nay, bạn sẽ thấy chất lượng ăn uống của công nhân đã được cải thiện rất nhiều. Với việc nguồn nhân lực trở nên khan hiếm, các công ty ngày càng chú trọng nâng cao phúc lợi, đặc biệt là chuyện ăn uống, để giữ chân người lao động.
Người lao động Trung Quốc cũng có thể và sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho nhu cầu hàng ngày. Theo một khảo sát gần đây, một nửa người tiêu dùng Trung Quốc muốn sử dụng các sản phẩm “tốt và đắt nhất”. Một gói mì ăn liền giá vài ba nghìn đồng không còn nằm trong suy nghĩ của họ nữa.
Kế đến là các quan ngại về sức khỏe. Mì ăn liền ngày càng bị người tiêu dùng nước này tẩy chay sau khi các bê bối về an toàn thực phẩm liên tiếp bị phanh phui. Đã có những cáo buộc cho thấy mì ăn liền của Trung Quốc có chứa nhựa hóa học. Vốn mang tiếng là không tốt cho sức khỏe vì chứa nhiều muối và chất phụ gia, các bê bối trên càng làm cho mì ăn liền trở nên kém hấp dẫn hơn.
Trước đây, dù mang tiếng là không tốt cho sức khỏe, vị thế của mì ăn liền vẫn đứng vững nhờ sự phổ biến của các cửa hàng tiện lợi. Nhưng giờ thì lợi thế đó cũng đang bị mài mòn. Dịch vụ giao thức ăn đang trở nên phổ biến ở các thành phố của Trung Quốc, với giá rẻ chẳng kém đồ ăn nhanh bán trong các cửa hàng tiện lợi.
Vào năm 2015, giá trị các đơn hàng giao thức ăn ở Trung Quốc là 20 tỷ USD, tăng 55% so với năm 2014. Chỉ cần ngồi nhà đặt hàng trên smartphone, ngay cả giới sinh viên và công nhân cũng có thể thưởng thức các bữa ăn lành mạnh hơn với giá rẻ.
Vì thế, các nhà sản xuất mì ăn liền của Trung Quốc đang phải chật vật hơn để duy trì tăng trưởng. Nhưng họ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các công ty mì ăn liền của Hàn Quốc, nơi có uy tín về an toàn thực phẩm cao hơn nhiều.
Một lựa chọn mà các công ty mì ăn liền Trung Quốc đang tính đến là bán hàng cho các nền kinh tế mới nổi ở Châu Á như Việt Nam. Ngành sản xuất cần nhiều nhân công của Việt Nam vẫn đang phát triển, và mì ăn liền vẫn là lựa chọn phổ biến của nhiều người lao động thu nhập thấp.
Điều đó có thể là chưa đủ đề bù lại thị phần giảm sút ở Trung Quốc, nhưng các công ty chẳng còn quyền kén cá chọn canh nữa khi mà người tiêu dùng nước này đang quay lưng lại với mì ăn liền.
Nguồn Bloomberg/Trí thức trẻ