Thứ Hai | 22/04/2013 07:30

Doanh nghiệp Nhật Bản ngại đầu tư bất chấp cổ phiếu tăng, yên giảm

Dù chính phủ của thủ tướng Shinzo Abe liên tục tung kích thích, song các chủ doanh nghiệp Nhật Bản lại tỏ ra khá e dè trong hoạt động đầu tư.
Lần cuối cùng ông Masao Namiki đặt mua máy móc cho công ty của mình là vào năm 1989, thời điểm Nhật hoàng Hirohito qua đời và kinh tế Nhật Bản bước vào thời kỳ thịnh vượng nhất. Thời điểm đó, ông Namiki đã vay tới 1 triệu USD để mua các máy tiện và máy khoan điều khiển bằng vi tính để cung cấp cho các khách hàng như Canon, Panasonic hay NEC.

Tuy nhiên, công ty ông suýt chút nữa phá sản khi các khách hàng bất ngờ hủy hợp đồng. Khi lãi suất cho vay tăng lên 6%, cổ phiếu và giá nhà đất Nhật Bản mất tới 15 nghìn tỷ USD giá trị và đẩy kinh tế Nhật Bản rơi vào giai đoạn thoái trào.

Bong bóng tài sản cùng 5 cuộc suy thoái liên tiếp kể từ năm 1989 luôn hằn sâu trong tâm trí các chủ doanh nghiệp Nhật Bản như ông Namiki, đồng thời là rảo cản khiến họ không dám thực hiện chiến dịch đầu tư mới, dù nội các của chính phủ Abe liên tục tung kích thích trên quy mô lớn nhằm chấm dứt thời kỳ giảm phát.

Ngay cả khi đồng yên trượt giá với tốc độ nhanh nhất 18 năm trong khi các công ty toàn cầu như Toyota bắt đầu lấy lại sức cạnh tranh vốn có, còn thị trường chứng khoán Nhật Bản trở thành thị trường chứng khoán hoạt động tốt nhất thế giới, các chủ doanh nghiệp như ông Namiki đều cho biết họ chưa sẵn sàng để đầu tư.

Theo ông Namiki, các chủ doanh nghiệp và các nhà sản xuất Nhật Bản vẫn trong tâm thế chờ đợi và theo dõi mọi biến đổi của thị trường.

Theo kinh tế trưởng thuộc Viện nghiên cứu Nomura, ông Richard Koo, sự miễn cưỡng trong hoạt động chi tiêu và đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Nhật Bản thực sự là một mối đe dọa lớn với kế hoạch kích thích kinh tế của ông Abe.

Ông Koo cũng cho rằng "nút cổ chai" lớn nhất trong kinh tế khu vực tư nhân hiện nay đó chính là việc thiếu người đi vay tư nhân. "Điều tương tự cũng từng diễn ra ở Mỹ trong những năm 1930. Thời điểm đó, những người từng trải qua Đại khủng hoảng 1929 cũng không bao giờ dám đi vay mượn trong một thời gian dài", ông Koo nói.

Đối với Nhật Bản, vết thương trong 20 năm qua vẫn còn. Những giá trị tài sản mà Nhật Bản đánh mất cũng tăng gấp 3 lần so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Và ngay khi Nhật Bản có dấu hiệu phục hồi trở lại, cuộc khủng hoảng năm 2009 nổ ra lại một lần nữa quật ngã niềm tin của các doanh nghiệp Nhật Bản. Thảm họa sóng thần năm 2011 cũng như vậy, ông Koo nói.

Sau tất cả những gì đã diễn ra, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản mới chỉ bằng 2/3 thời kỳ đỉnh cao của nó năm 1989, trong khi giá đất vẫn thấp hơn nhiều so với năm 1981. Do đó, tâm lý chờ đợi và ngại đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản cũng là điều dễ hiểu.

Để khuyến khích hoạt động đầu tư, mới đây thủ tướng Abe và thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda cho biết sẽ tăng gấp đôi lượng lưu thông tiền mặt trong nền kinh tế, nhằm mục tiêu nâng lạm phát lên 2% trong vòng 2 năm tới. Chính phủ Nhật Bản và BOJ cũng cam kết loại bỏ các rào cản với tăng trưởng, cơ cấu thêm các gói kích thích tài chính, cắt giảm thuế và các ưu đãi khác.

Nguồn Bloomberg/Dân Việt


Sự kiện