Tỉ lệ nữ giới trong hội đồng quản trị của 1.628 công ty chỉ đạt 16,2% vào cuối tháng 6/2024. Ảnh: Nikkei Asia.

 
Khánh Tú Thứ Tư | 02/10/2024 11:40

Doanh nghiệp Nhật Bản khó đạt mục tiêu 30% nữ lãnh đạo

Các công ty Nhật Bản gặp khó khăn trong việc đạt 30% nữ lãnh đạo vào năm 2030 do thiếu hụt ứng viên nội bộ và bên ngoài.

Các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) gặp khó khăn trong việc đạt mục tiêu của chính phủ là 30% thành viên hội đồng quản trị là nữ giới vào năm 2030. Nguyên nhân chính là do thiếu hụt nguồn nhân lực nữ nội bộ và khó khăn trong việc thu hút ứng viên từ bên ngoài.

Để thực hiện mục tiêu này, các công ty trên thị trường TSE Prime cần bổ sung ít nhất 2.500 lãnh đạo nữ, trong khi hiện tại chỉ có 3.083 phụ nữ giữ vị trí trong tổng số khoảng 19.000 vị trí trong hội đồng quản trị. “Nhu cầu tìm kiếm ứng viên nữ cho vị trí thành viên hội đồng quản trị đã tăng mạnh từ năm ngoái”, bà Naomi Koshi, CEO OnBoard, Công ty chuyên giới thiệu và đào tạo lãnh đạo nữ, cho biết.

Nghiên cứu của Nikkei cho thấy, tỉ lệ nữ giới trong hội đồng quản trị của 1.628 công ty niêm yết trên sàn TSE Prime chỉ đạt 16,2% vào cuối tháng 6/2024, thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu của OECD là 29,6% vào năm 2022. Mặc dù tỉ lệ này đã tăng 2,6 điểm phần trăm so với năm trước, 4,2% công ty vẫn chưa có bất kỳ nữ thành viên nào trong hội đồng quản trị.

Ngoài mục tiêu 30% vào năm 2030, chính phủ Nhật còn đặt mục tiêu trung hạn là 19% vào năm 2025, nhưng hiện có tới hai phần ba các công ty niêm yết trên TSE Prime chưa đạt được mục tiêu này. Các công ty đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm ứng viên nữ nội bộ. Năm 2022, chỉ có 8,2% phụ nữ giữ vị trí trưởng phòng, nhóm có tiềm năng thăng tiến vào hội đồng quản trị, trong tất cả các công ty niêm yết trên TSE. Điều này đồng nghĩa với việc vẫn cần thêm thời gian để phát triển các ứng viên nữ nội bộ.

Các công ty đang phụ thuộc vào ứng viên nữ từ bên ngoài để đạt được mục tiêu. Số liệu từ chính phủ cho thấy có gần 9 trên 10 nữ thành viên hội đồng quản trị trong năm 2023 được mời từ bên ngoài, trong khi tỉ lệ này chỉ là 4 trên 10 đối với nam giới. Tuy nhiên, nguồn cung ứng viên nữ bên ngoài vẫn còn hạn chế. Theo công ty tư vấn ProNed, 30% nữ giám đốc bên ngoài phải đảm nhận nhiều vị trí ở các công ty khác nhau vào năm 2023, trong khi tỉ lệ này ở nam giới chỉ là 15%.

Tình hình càng trở nên khó khăn hơn đối với các công ty nhỏ khi chi phí trả lương cho ứng viên có kinh nghiệm quản lý thường trên 10 triệu yên mỗi năm, mức quá cao để họ có thể chi trả.

Mặc dù các mục tiêu của chính phủ không bắt buộc, các nhà đầu tư tổ chức đang siết chặt các tiêu chí bỏ phiếu, buộc các công ty niêm yết phải hành động. Tỉ lệ nữ giới trong hội đồng quản trị đã trở thành yếu tố ảnh hưởng đến tỉ lệ phê duyệt lãnh đạo tại các cuộc họp cổ đông.

Tại cuộc họp cổ đông thường niên năm 2023 của Canon, đề xuất bầu cử Chủ tịch và Giám đốc Điều hành Fujio Mitarai chỉ nhận được 50,59% phiếu thuận và gần như bị từ chối, do công ty không có nữ thành viên nào trong hội đồng quản trị. Tỉ lệ phê duyệt của ông đã tăng lên trên 90% vào năm 2024 sau khi mời được một nữ giám đốc vào hội đồng.

Sumitomo Mitsui DS Asset Management, một trong những công ty quản lý tài sản lớn nhất Nhật Bản, cũng đã thắt chặt các tiêu chí bỏ phiếu vào tháng 1/2024, yêu cầu ít nhất 10% thành viên hội đồng quản trị phải là nữ giới.

“Chúng tôi đồng hành với mục tiêu của chính phủ và sẽ tiếp tục siết chặt tiêu chí bỏ phiếu của mình, đồng thời theo dõi tiến trình của các công ty. Nhiều công ty than phiền về việc thiếu hụt nguồn ứng viên nữ. Theo quan điểm của chúng tôi, các công ty nên đánh giá năng lực của ứng viên, thay vì chỉ dựa vào công ty và vị trí của họ. Chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với việc bổ nhiệm phụ nữ chỉ để đạt chỉ tiêu mà không xem xét năng lực hay thời gian của họ”, ông Junichi Sakaguchi, Giám đốc Đầu tư Trách nhiệm Xã hội Sumitomo Mitsui DS Asset Management, cho biết.

Mặc dù tỉ lệ nữ giới trong lực lượng lao động tại Nhật Bản đã tăng nhẹ lên 50% và các công ty càng ngày càng nhận thức rõ hơn về sự chênh lệch giới tính, nhưng vẫn còn tồn tại những rào cản xã hội cản trở sự thăng tiến của phụ nữ trong môi trường công việc.

“Nhật Bản đang đi đúng hướng nhưng tốc độ còn chậm. Nhật cần đạt ít nhất 30% nữ lãnh đạo mới có thể hưởng trọn lợi ích từ sự đa dạng”, bà Sarah Liu, người sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành của công ty tư vấn đa dạng và hòa nhập TDC Global tại Úc, cho biết.

Có thể bạn quan tâm:

Cơn sốt du lịch của người Nhật hạ nhiệt sau đại dịch

Nguồn Nikkei Asia