Năm 2023, Nhật Bản đã thực hiện khoảng 660 giao dịch mua bán và sáp nhập ra nước ngoài. Ảnh: Nikkei Asia.

 
Khánh Tú Thứ Sáu | 13/09/2024 19:13

Doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh thâu tóm quốc tế

Các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường mua lại công ty nước ngoài để tìm kiếm tăng trưởng trong bối cảnh thị trường trong nước thu hẹp.

Các doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm cách mua lại những công ty nước ngoài lớn hơn để tìm kiếm cơ hội tăng trưởng trong bối cảnh thị trường trong nước tiếp tục thu hẹp, theo các ngân hàng đầu tư. Ông Yoshinobu Agu, Trưởng bộ phận mua bán và sáp nhập tại Citi Tokyo, cho biết nhu cầu mở rộng ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản về cơ bản không thay đổi. Nhưng trong vài năm qua, quy mô của các giao dịch ngày càng lớn, cho thấy khát vọng của các doanh nghiệp Nhật Bản về tăng trưởng cũng như đầu tư đã tăng đáng kể.

Theo dữ liệu từ Recof Data, năm 2023, Nhật Bản đã thực hiện khoảng 660 giao dịch mua bán và sáp nhập ra nước ngoài, tăng 6% so với năm trước. Khoảng 1/3 rong số đó được thực hiện tại Mỹ, cho thấy sự ưu ái của các công ty Nhật Bản đối với quốc gia này. Tiếp theo là 44 giao dịch tại Vương quốc Anh, 42 giao dịch tại Singapore và 34 giao dịch tại Ấn Độ.

Xét về giá trị giao dịch, tổng giá trị các thương vụ ra nước ngoài của năm ngoái đạt 50,5 tỉ USD, tăng khoảng 7% so với năm trước đó, theo S&P Capital IQ Pro. Một trong những thương vụ lớn gần đây nhất là Nippon Steel cố gắng mua lại U.S. Steel với giá khoảng 14 tỉ USD, mặc dù thương vụ này đang gặp trở ngại do chính trị tại Mỹ trong bối cảnh mùa bầu cử.

Các thương vụ đáng chú ý khác bao gồm nhà sản xuất chip Renesas Electronics của Nhật mua lại công ty phần mềm Altium của Úc với giá 5,9 tỉ USD bằng tiền mặt và Tập đoàn Xây dựng nhà Sekisui House mua lại công ty xây dựng nhà ở MDC Holdings của Mỹ với giá 4,9 tỉ USD.

Mặc dù thị trường M&A của Nhật Bản còn nhỏ so với các thị trường phát triển khác, nhưng các cải cách quản trị doanh nghiệp do chính phủ dẫn dắt đã khơi dậy một làn sóng giao dịch mới.

Hồi tháng 1, Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo bắt đầu công bố danh sách các công ty đã chia sẻ kế hoạch cải thiện các chỉ số hiệu quả vốn và định giá. Vào tháng 8 năm ngoái, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp đã công bố các hướng dẫn nhằm thúc đẩy hoạt động M&A, nhấn mạnh rằng các biện pháp phòng thủ nhằm ngăn chặn các lời đề nghị mua lại hợp lý cần được hạn chế, và những đề nghị đó nên được xem xét một cách nghiêm túc.

Ông Nick Wall, đối tác tại A&O Shearman, cho biết tham vọng của các doanh nghiệp Nhật Bản đối với mục tiêu tại Mỹ đang gặp phải những trở ngại chính trị ngày càng gia tăng. Ông cũng nhấn mạnh rằng Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), cơ quan giám sát quy định đầu tư trực tiếp nước ngoài và phê duyệt chống độc quyền, là điểm thách thức chính. CFIUS có thể từ chối các giao dịch đầu tư nước ngoài nếu cân nhắc đó là mối lo ngại đối với an ninh quốc gia.

Các doanh nghiệp Nhật Bản đang rất quan tâm đến việc tìm kiếm các mục tiêu tại những nơi có tiềm năng tăng trưởng kinh tế và dân số trẻ. “Ở Mỹ, dân số đang có xu hướng tăng và nền kinh tế của họ không tệ. Điều tương tự cũng diễn ra ở khu vực Đông Nam Á”, ông Akihiro Kido, Trưởng bộ phận M&A tại Mizuho Securities, cho biết. 

Theo ông Kido, tại Mỹ, các công ty Nhật thường ưu tiên việc mua lại 100% vì thị trường này rất minh bạch. Trong khi đó, ở Đông Nam Á và Ấn Độ, họ thích nắm giữ cổ phần thiểu số vì muốn tận dụng mạng lưới kinh doanh và quan hệ chính trị của các giám đốc điều hành địa phương.

Sự yếu kém của đồng yên không thể ngăn cản các doanh nghiệp Nhật Bản thực hiện các thương vụ M&A ra nước ngoài vì các thương vụ này mang tính chiến lược. “Bất kể biến động tiền tệ, chúng ta sẽ chứng kiến một mức độ hoạt động ra nước ngoài bền vững”, ông Masuo Fukuda, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng bộ phận ngân hàng đầu tư tại Citi Tokyo, nhận định.

Điều quan trọng là việc tài trợ cho các thương vụ không gây áp lực cho các công ty Nhật Bản. Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, các doanh nghiệp Nhật Bản, trừ các tổ chức tài chính, đã tích lũy một lượng tiền mặt kỷ lục lên đến 600,9 nghìn tỉ yên (4,2 nghìn tỉ USD) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3.

Ông Agu cho rằng điều quan trọng là các doanh nghiệp Nhật Bản phải tiếp tục thể hiện tiến triển để duy trì đà giao dịch. “Hiện tại, các nhà đầu tư đang ủng hộ mạnh mẽ các công ty Nhật Bản thực hiện hành động. Nếu điều đó không xảy ra, có thể đây sẽ là một rủi ro tiềm ẩn cho M&A tại Nhật”, ông nói.

Có thể bạn quan tâm:

"Kinh tế bạc" Trung Quốc bùng nổ khi dân số già tăng cao

Nguồn Nikkei Asia