Doanh nghiệp nhà nước đang gây tổn thương cho nền kinh tế Trung Quốc
Các doanh nghiệp nhà nước (SOE) được ưu đãi trong việc đảm bảo bảo nguồn vay từ ngân hàng. Số tiền lớn này được các SOE sử dụng để đầu tư vào các lĩnh vực không đem lại hiệu quả của nền kinh tế. Bên cạnh đó, họ còn được miễn mọi trách nhiệm và không bị ràng buộc bởi luật thị trường.
Chính điều đó đã ảnh hưởng bất lợi đến khu vực sản xuất tư nhân, những người sử dụng lao động lớn nhất đồng thời là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.
Sự bảo trợ của chính phủ được các doanh nghiệp nhà nước tận dụng như một công cụ bảo hiểm ngầm đảm bảo cho sự tồn tại của mình. Chính nhờ công cụ này mà việc bị phá sản dường như là một viễn cảnh vô cùng xa vời với các SOE.
Một trong những ví dụ điển hình cho vấn đề này là việc giới chức Trung Quốc vừa qua đã yêu cầu chính quyền các địa phương trợ giúp doanh nghiệp sản xuất tơ nhân tạo Shandong Helon của nước này tránh khỏi cảnh vỡ nợ và thanh toán khoản nợ lên tới 60 triệu USD, hãng Reuters tiết lộ.
Chính các gói cứu trợ này đã khiến các nhà đầu tư nội địa yên tâm rằng kể cả những doanh nghiệp nhà nước với quy mô vừa của Trung Quốc cũng không bao giờ phải chịu cảnh phá sản như các doanh nghiệp tư nhân khác.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước thường xuyên hoạt động quá yếu kém, điều đó đồng nghĩa với việc họ liên tục cần đến sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc.
Nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy lợi nhuận trung bình trên vốn chủ sở hữu của các SOE thấp hơn nhiều so với các doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài quốc doanh.
Khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại và chi phí vốn tăng cao, sự thiếu hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước lại chính là gánh nặng cho quốc gia, khiến nguồn đầu tư dành cho các khu vực hiệu quả hơn của nền kinh tế bị thiếu hụt trầm trọng.
Nguồn Morningwhistle/DVT