Thứ Ba | 27/08/2013 18:51

Doanh nghiệp nào sẽ là nạn nhân “bài ngoại” tiếp theo của Trung Quốc?

Sau doanh nghiệp dược và sữa, các doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu mỏ, ngân hàng và viễn thông sẽ là mục tiêu điều tra tiếp theo của Trung Quốc.
Kênh truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV trích lời ông Xu Kunlin – giám đốc Cục chống độc quyền thuộc Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia (NDRC) Trung Quốc cho biết, cơ quan này sẽ tiến hành điều tra các ngành/lĩnh vực có ảnh hưởng đối với đời sống của dân thường.

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông chính thức cũng như các nghiên cứu của các công ty luật, chỉ trong vòng 3 năm vừa qua, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia của Trung Quốc đã tiến hành gần 20 cuộc điều tra liên quan đến giá cả đối với các doanh nghiệp trong và nước ngoài.

Tuy nhiên, phạm vi của các cuộc điều tra tại siêu cường kinh tế số 2 thế giới này đang tăng tốc trong vài tháng trở lại đây và “trùng hợp” với chỉ trích xuất hiện trên các phương tiện truyền thông về giá cả các mặt hàng thực phẩm như sữa bột, thuốc, ô tô sang và đồ trang sức.

Ông Sebastien Evrard thuộc hãng luật Jones Day đặt tại Bắc Kinh và là chuyên gia về luật chống độc quyền cho biết: “Khi bạn điểm qua hoạt động trên toàn thế giới sẽ thấy các nhà quản lý thường có xu hướng điều tra các lĩnh vực mà kết quả các cuộc điều tra này thường có tác động trực tiếp đến đời sống người tiêu dùng và tạo ra cảm giác chúng mang lại kết quả tích cực”.

Mới đây, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia đã phạt 6 công ty sữa bột do các hành vi vi phạm cạnh tranh. Ủy ban này cũng đang điều tra 60 hãng dược nước ngoài và trong nước về các vấn đề liên quan đến giá cả và chi phí.

Cũng trên blog chính thức của mình, CCTV cho biết các công ty hoạt động trong các lĩnh vực như dầu khí, viễn thông, ngân hàng và ô tô đã lọt vào “tầm ngắm” cho các đợt điều tra tiếp theo của Ủy ban cực kỳ quyền lực này. Ông Xu cũng dẫn ra giả dụ rằng nếu như các ngân hàng ấn định lãi suất tiền gửi hoặc cho vay trong bối cảnh Trung Quốc đã tự do hóa cơ chế lãi suất thì hành vi này có thể bị điều tra ngay lập tức.

Tuy nhiên CCTV không cung cấp thêm chi tiết nào. Các quan chức của Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia cũng không thể liên lạc được.

Gần đây, Trung Quốc đã có những bước đi nhằm dần dần tự do hóa lãi suất. Tháng trước, ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã dỡ bỏ các kiểm soát về lãi suất cho vay của ngân hàng, cho các ngân hàng thương mại quyền tự do để cạnh tranh thu hút khách hàng.

Ông Evrard cho biết trong khi các công ty viễn thông và dầu khí thường là mục tiêu của các cơ quan quản lý trên thế giới, 2 đối tượng này không hẳn sẽ trở thành đối tượng bị điều tra tiếp theo ở Trung Quốc do trong 2 lĩnh vực này có sự tham gia rất nhiều của các công ty quốc doanh.

Các doanh nghiệp quốc doanh khổng lồ như PetroChina, Sinopec và CNOOC đang thống lĩnh trị trường dầu mỏ và khí đốt Trung Quốc. Hơn nữa, giá nhiên liệu trong nước cũng được Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia ấn định.

3 doanh nghiệp lớn nhất trong ngành viễn thông Trung Quốc là China Unicom, China Mobile và China Telecom – điều là các doanh nghiệp nhà nước. Tương tự như vậy, “tứ đại gia” trong lĩnh vực ngân hàng đều chịu sự quản lý của nhà nước Trung Quốc.

Hiệp hội các nhà kinh doanh ôtô Trung Quốc cũng cho biết quan chức của hiệp hội này đang tiến hành thu thập dữ liệu về giá cả các loại ôtô nước ngoài bán tại thị trường Trung Quốc theo yêu cầu của Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia.

Cục quản lý Công nghiệp và Thương mại – cơ quan chịu trách nhiệm giám sát thị trường, đã tiến hành một chương trình điều tra độc lập nhằm vào nạn tham ô trong các lĩnh vực dược và y tế.

Giám đốc các doanh nghiệp nước ngoài cũng như các ngân hàng hoạt động tại Trung Quốc cho biết các cuộc điều tra trong nhiều lĩnh vực là chủ đề nóng hiện nay. Tuy nhiên họ vẫn cảm thấy rất mơ hồ bởi lẽ họ không hiểu động cơ phía sau các cuộc điều tra này là gì và liệu chúng có ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ không.

Nguồn Reuters/Dân Việt


Sự kiện