Ảnh: WSJ
Doanh nghiệp Mỹ muốn nhanh chóng rời khỏi Trung Quốc
COVID-19 khiến triển vọng tách rời kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên thực tế hơn nhiều, vì đại dịch này gây gián đoạn chuỗi cung ứng và gây thêm căng thẳng lên mối quan hệ giữa hai nước.
Tháng 3.2020, trong số 25 ông lớn doanh nghiệp Mỹ tham gia khảo sát, có 44% cho rằng khả năng Mỹ và Trung Quốc tách rời thật bất khả thi, giảm từ mức 66% hồi tháng 10.2019, kết quả khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc và Phòng Thương mại Mỹ ở Thượng Hải cho thấy.
Cũng theo cuộc khảo sát này, hơn 25% doanh nghiệp Mỹ bắt đầu lên kế hoạch nhập nguồn cung ứng vật liệu từ các khu vực khác nhau bên ngoài Trung Quốc trong thời hậu đại dịch COVID-19. Chỉ có 16% công ty dự định chuyển một phần hoặc toàn bộ hệ thống sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Trong khi đó, 40% công ty cho biết sẽ giữ nguyên chuỗi cung ứng. Một số công ty cho rằng vẫn quá sớm để quyết định có nên thay đổi chiến lược cung ứng dài hạn vì đại dịch COVID-19 hay không.
Bùng phát từ Trung Quốc, đại dịch COVID-19 đã làm tê liệt cả nền kinh tế, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và từ đó cũng ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp đa quốc gia hoạt động tại nước này. Cũng vì lẽ đó, các công ty cũng cảm thấy cần phải đa dạng hóa khỏi Trung Quốc để phân tán rủi ro, Ker Gibbs, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải, cho hay. “Đây là về đa dạng hóa chứ không phải chuyển dịch hoàn toàn”, ông Gibbs nói.
Thậm chí, trước khi đại dịch bùng phát, một số công ty cảm thấy lo lắng về chuyện dồn lực vào Trung Quốc khi mà chi phí lao động tại nước này tăng cao và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang.
"Cú sốc từ đại dịch virus buộc các công ty toàn cầu phải xem xét lại cách quản lý rủi ro chuỗi cung ứng", ông Gibbs bình luận.
Sự gián đoạn vì dịch bệnh khiến các công ty lên tiếng về việc chuyển hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng về quê nhà. Hồi cuối tháng 1.2020, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tuyên bố dịch bệnh ở Trung Quốc có thể mang việc làm về Mỹ. Cố vấn Thương mại Nhà Trắng, Peter Navarro, kêu gọi các công ty về y tế đặt chuỗi cung ứng tại Mỹ.
Tháng 4.2020, Nhật Bản cho biết sẽ hỗ trợ để khuyến khích các công ty nước này rút lại việc sản xuất hàng hóa từ nước ngoài về nước, đồng thời khuyến khích và trợ cấp để các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc.
Trong khi đó, Bắc Kinh - vốn lo ngại về sự tháo chạy của dòng vốn ngoại - đang tìm cách giúp đỡ các công ty nước ngoài đang gặp khó khăn vì tình trạng đóng cửa cơ sở, đồng thời kêu gọi các quốc gia phối hợp để ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cú sốc từ đại dịch COVID-19 đang buộc các công ty xem xét lại cách kiểm soát rủi ro từ chuỗi cung ứng, ông Gibbs nói. Rủi ro chính trị giờ cũng nằm trong những mối lo ngại hàng đầu của công ty Mỹ tại Trung Quốc, khi đại dịch càng “đổ thêm dầu vào lửa” trong mối quan hệ vốn đã rất căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vì cuộc chiến thương mại, ông Gibbs nói.
Mark Mobius: Làn sóng chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc bắt đầu đẩy nhanh
Trao đổi trên chương trình Street Signs Europe của CNBC vào ngày thứ Ba (21.4), ông Mobius, nhà sáng lập của Mobius Capital Partners, cho biết, đại dịch đã khiến các doanh nghiệp nghĩ lại về chuỗi cung ứng, vì họ muốn giảm thiểu cú sốc nguồn cung khi những sự kiện tương tự như COVID-19 xảy ra.
“Nhiều người mua và nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc đang suy nghĩ lại và bắt đầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng càng nhiều càng tốt và chuyển sang gần với quê nhà”, ông nói. “Thế nhưng, xét cho cùng, tôi nghĩ sẽ có sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang những nơi như Việt Nam, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí là Brazil. Vì vậy, các công ty này có thể có chuỗi cung ứng được đa dạng hóa cao hơn”.
Trao đổi với CNBC trong ngày thứ Hai (ngày 20.4), nhà phân tích độc lập Fraser Howie cũng cho biết các chính quyền sẽ xem xét giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng lưu ý rằng “Trung Quốc sẽ không đời nào ngó lơ chuyện đó”.
* Làn sóng chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc bắt đầu đẩy nhanh
Nguồn WSJ