Thứ Tư | 01/08/2012 13:08

Doanh nghiệp châu Á tăng cường thâu tóm, sáp nhập ở nước ngoài

12-18 tháng nữa sẽ là giai đoạn cao điểm của hoạt động mua lại và sáp nhập (M&A) qua biên giới từ châu Á, Citigroup cho biết.
Các công ty châu Á tiếp tục ngắm tới các mục tiêu M&A nửa cuối năm 2012, sau hàng loạt thương vụ lớn bao gồm cả vụ công ty dầu Trung Quốc CNOOC thâu tóm nhà sản xuất năng lượng Canada Nexen. CEO và chủ các công ty châu Á tự tin, tham vọng và muốn tiếp cận các thị trường đáp ứng tham vọng của họ, Colin Banfield, trưởng bộ phận M&A khu vực châu Á - Thái Bình Dương ở City Group cho biết.

Dữ liệu từ Dealogic chỉ ra các thương vụ M&A qua biên giới của các công ty châu Á không tính Nhật Bản tăng 40% cho tới thời điểm này trong năm lên 76,9 tỷ USD từ 54,8 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Một vài công ty giàu tiềm lực tài chính của châu Á đang tìm kiếm cơ hội mua lại với giá hời ở Mỹ và châu Âu, những nơi tăng trưởng chậm, cùng khủng hoảng nợ buộc các công ty nơi đây bán tháo tài sản.

Các công ty Trung Quốc là những khách hàng mua lớn nhất, với giá trị các vụ M&A tới 38,8 tỷ USD tới thời điểm này trong năm, tăng 86% từ 20,8 tỷ USD năm trước. Cả các doanh nghiệp quốc doanh và tư nhân Trung Quốc có tài chính lành mạnh đang nhắm tới các nguồn tài nguyên, công nghệ và thương hiệu.

Riêng tháng 5, có 3 thương vụ M&A xuyên biên giới giá trị hơn 1 tỷ USD do các công ty Trung Quốc tuyên bố. Đó là Bright Food Group mua nhà sản xuất ngũ cốc Weetabix của Anh, Dalian Wanda Group thâu tóm chuỗi rạp chiếu phim AMC Entertainment của Mỹ, và nhà điều hành lưới điện quốc doanh Trung Quốc State Grid Corp mua hệ thống truyền tải điện cao áp ở Brazil từ Actividades de Construccion y Servicios của Tây Ban Nha.

Lễ ký kết hợp đồng mua bán giữa Dalian Wanda Group và AME Entertainment Holdings. Ảnh: Theoaklandpress.com.
Lễ ký kết hợp đồng mua bán giữa Dalian Wanda Group và
AME Entertainment Holdings.

Citigroup cũng đang tư vấn một thương vụ M&A lớn được công bố tháng 7: nhà sản xuất bia Hà Lan Heineken chào 5,1 tỷ đô la Singapore (4,1 tỷ USD) mua lại nhà sản xuất bia Tiger - Asia Pacific Breweries. Nhờ đó, Citigroup trở thành nhà tư vấn thứ 2 sau Goldman Sachs trong các thương vụ M&A ở châu Á - Thái Bình Dương không kể Nhật Bản tới năm 2012.

Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng lạc quan. Một số cho rằng các công ty châu Á đang chờ kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11, cũng như chính sách kinh tế mới của nền kinh tế lớn nhát thế giới. Đồng thời, khủng hoảng nợ châu Âu có thể làm ảnh hưởng tới niềm tin các công ty châu Á muốn mở rộng, đồng nghĩa với việc đàm phán có thể còn kéo dài.

Nguồn WSJ/ Khampha


Sự kiện