Thứ Năm | 29/03/2012 14:55

Doanh nghiệp châu Á tăng cường đầu tư vào châu Âu

Theo Ernst & Young Global ngày 28/3, các công ty Trung Quốc và nhiều quốc gia châu Á đang hướng các mục tiêu thâu tóm vào các doanh nghiệp châu Âu.
Báo cáo của Ernst & Young cho thấy, Nhật Bản và Trung Quốc hiện đang dẫn đầu xu hướng đầu tư vào châu Âu trong hai tháng đầu năm 2012, với tổng giá trị giao dịch gần 11 tỷ USD. Tiếp theo đó là làn sóng từ Hàn Quốc, Ấn Độ và Úc.

Michel Driessen, thành viên điều hành Ernst & Young, cho biết mối quan tâm của các nhà đầu tư châu Á dành cho châu Âu đã bắt đầu tăng lên kể từ năm 2010 và có khả năng lớn hơn nữa vào năm 2012.

Driessen nhận xét: "Rõ ràng là các nhà đầu tư châu Á hiểu rất rõ bối cảnh tài chính ở châu Âu hiện nay và mong muốn tận dụng lợi thế từ tình trạng này. Giá trị định giá, tỷ giá hối đoái và tính năng động của các giao dịch, tất cả hiện tại đều đang có lợi cho các nhà đầu tư châu Á. Đã đến lúc nắm lấy cơ hội tăng trưởng tại châu Âu."

Các giao dịch phủ trên một mặt bằng rộng các lĩnh vực, mà trọng điểm là sản phẩm công nghiệp, phần mềm và dịch vụ máy tính, dịch vụ tài chính và ngành công nghiệp hóa chất.

Theo Ernst & Young, các công ty châu Á lúc này nên cố gắng mở rộng tại châu Âu bởi họ sẽ nhanh chóng có được những khách hàng trung thành và chiếm lĩnh thị phần. Châu Âu cũng sẽ cung cấp cơ hội cho các doanh nghiệp châu Á tiếp tục đà tăng trưởng mở rộng ra các khu vực khác.

Bên cạnh việc định giá rẻ cùng cơ hội mở rộng thị trường, các công ty châu Á cũng nhắm tới các quốc gia châu Âu như Đức, Anh để tranh thủ những phát triển trong ngành nghiên cứu cũng như những tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ sở để các doanh nghiệp châu Á tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm.

Sự kết hợp của những ảnh hưởng này đã thúc đẩy các doanh nghiệp khu vực châu Á-Thái Bình Dương chuyển hướng thâu tóm sang khu vực châu Âu. Trong 5 năm qua, Australia đã trở thành nhà đầu tư chính trong lĩnh vực này, chiếm 22% số lượng các giao dịch sáp nhập và mua lại có yếu tố nước ngoài được hoàn thành ở châu Âu. Tiếp theo là Ấn Độ, với 19%, Trung Quốc và Nhật Bản, cùng chiếm 18%.

Tính theo giá trị giao dịch sáp nhập và mua lại tại châu Âu, Nhật Bản đứng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương với khoảng 79 tỷ USD đầu tư thêm kể từ năm 2007.

Driessen cho biết tình hình tài chính và kinh tế ở châu Âu hiện tại đang cho phép các công ty khu vực châu Á-Thái Bình Dương mua lại với mức giá hấp dẫn.

Nguồn TTVN/CafeF


Sự kiện