Thứ Tư | 30/01/2013 09:04

Doanh nghiệp châu Á đối mặt với án phạt từ Basel

Ủy ban Basel và IOSO đề nghị phạt nặng các doanh nghiệp châu Á thực hiện giao dịch hoán đổi ngoại tệ mà không có tài sản thế chấp.
Năm ngoái, hãng điện tử Hàn Quốc Samsung đã tỏ ra là doanh nghiệp hiểu biết về tài chính khi bán 1 tỷ USD trái phiếu với lãi cực thấp vào thị trường Mỹ. Thông thường, những doanh nghiệp như Samsung không phải là đối tượng bị các nhà hoạch định chính sách Mỹ để mắt đến, khi họ tiến hành chương trình quét sạch những công cụ vốn phái sinh ra khỏi thị trường sau khủng hoảng toàn cầu năm 2008.

Tuy nhiên, cả Samsung và nhiều doanh nghiệp đi vay khác có thể sẽ bị các nhà quản lý Mỹ xử phạt nếu Mỹ thông qua việc áp dụng quy định của Basel.

Đối với nhiều doanh nghiệp châu Á, thị trường nội có quá ít các nhà đầu tư có thể thỏa mãn nhu cầu đi vay của họ. Trên toàn khu vực năm 2012, ngoại trừ Nhật Bản, các công ty châu Á đã phát hành khoảng 78 tỷ USD trái phiếu bằng đồng USD, euro và yên. Đây có thể coi là lượng phát hành kỷ lục trong nhiều năm qua tại châu Á và cũng là lần đầu tiên số tiền đi vay từ phát hành trái phiếu lớn hơn các thị trường cho vay truyền thống.

Nếu các doanh nghiệp châu Á tìm cách đi vay ở nước ngoài để phục vụ cho hoạt động sản xuất trong nước, họ sẽ phải ký các thỏa thuận hoán đổi ngoại tệ sang đồng tiền quốc gia mình. Tuy nhiên, trong con mắt các nhà hoạch định chính sách, "hoán đổi" là một cụm từ không mấy tốt đẹp và khiến họ gợi nhớ tới các công cụ tài chính phái sinh.

Điều không may cho các doanh nghiệp châu Á là những hợp đồng hoán đổi tiền tệ qua biên giới như vậy không có một trung tâm thanh toán bù trừ chuyên biệt. Do đó, những giao dịch hoán đổi không rõ ràng đã khiến họ bị Ủy ban Basel và Tổ chức Quốc tế của các Uỷ ban Chứng khoán (IOSO) để mắt tới.

Năm ngoái, 2 cơ quan này đã đề nghị đẩy toàn bộ các công cụ vốn phái sinh vào trung tâm thanh toán bù trừ. Mục đích của việc làm này là nhằm trừng phạt các doanh nghiệp thực hiện hoán đổi không rõ ràng với chi phí vốn, lợi nhuận cao hoặc tài sản thế chấp cao hơn. Trong khi đó, hầu hết các giao dịch hoán đổi của doanh nghiệp châu Á lại bị xếp vào nhóm này.

Tuy nhiên, giao dịch hoán đổi ngoại hối không giống như các giao dịch hoán đổi vỡ nợ tín dụng, thậm chí chúng còn không được xếp vào nhóm công cụ vốn phái sinh.

Khi các ngân hàng, hoặc các tổ chức tín dụng khác, muốn đảm bảo các nhà đầu tư sẽ không chịu tổn thất bởi các giao dịch hoán đổi vỡ nợ tín dụng như vậy, hoạt động thanh toán - bao gồm cả rủi ro - sẽ chỉ diễn ra theo 1 chiều. Nếu doanh nghiệp đi vay vỡ nợ, tổ chức bảo hiểm cho số trái phiếu doanh nghiệp đó phát hành sẽ phải trả các nhà đầu tư toàn bộ số tiền mà họ đã bỏ ra để mua trái phiếu. Tuy nhiên, rủi ro ở đây là bên bảo hiểm không đủ tiền để trả cho toàn bộ số trái phiếu đó.

Đối với giao dịch hoán đổi ngoại hối của 1 doanh nghiệp đi vay, ban đầu mỗi bên liên quan sẽ cầm 1 lượng tiền nhất định của bên kia với cam kết sẽ trao trả lại trong 5 năm tiếp theo với lượng tiền không đổi. Kết quả là, quá trình này sẽ làm nảy sinh 2 rủi ro - theo logic vỡ nợ tín dụng - cả 2 bên đều không thể thanh toán nợ cho bên còn lại.

Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) cho rằng những doanh nghiệp thực hiện hoán đổi như vậy cần phải thế chấp hoàn toàn, bởi mỗi bên sẽ trao đổi tiền tệ khi bắt đầu và kết thúc một hợp đồng thương mại. Tuy nhiên, ủy ban Basel và IOSO lại cho rằng 2 bên tham gia hoán đổi tiền tệ phải công bố được số dự trữ tiền tệ của mình.

Với lập luận này, Hiệp hội hoán đổi và công cụ vốn phái sinh quốc tế (ISDA) nhận định nhu cầu thế chấp trên thị trường hoán đổi tiền tệ sẽ tăng lên chóng mặt, và mỗi doanh nghiệp sẽ phải thế chấp từ 1 tới 10 tỷ USD. Dự đoán này có vẻ như không thực tế, bởi ngay từ ban đầu các đề xuất của ủy ban Basel và IOSO đã cho phép miễn trừ các công ty phi tài chính.

Mặc dù vậy, những thay đổi như trên sẽ khiến các ngân hàng gặp rất nhiều rắc rối và tốn kém - và dĩ nhiên số chi phí tốn kém này sẽ được chuyển sang cho các doanh nghiệp đi vay. Trên thực tế, các luật sư kinh tế nhận định việc ép các doanh nghiệp phải thế chấp trong giao dịch là một ý tưởng không tồi, và các ngân hàng sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc yêu cầu các doanh nghiệp công bố dự trữ tiền tệ của mình.

Người đứng đầu Hiệp hội tài chính và kho bạc Australia, ông David Michell, cho biết các ngân hàng sẽ yêu cầu các doanh nghiệp được xếp hạng đầu tư của Australia phải trả thêm 0,6% lãi suất mỗi năm đối với các trái phiếu thời hạn 5 năm, nếu ủy ban Basel và IOSO áp dụng yêu cầu trên. 0,6% không phải là quá lớn, song chắc chắn nó sẽ khiến các doanh nghiệp phật ý. Đây là trong trường hợp thị trường có đủ nguồn tài sản thế chấp để duy trì hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp, ông Michell nói.

Nếu đề xuất của Basel và IOSO được áp dụng, chắc chắn Australia sẽ là nước gặp khó nhất do các doanh nghiệp nước này đi vay ngoài nhiều gấp đôi so với trong nước, công ty nghiên cứu thị trường Dealogic cho biết. Ngoài ra, còn có Brazil và Mexico cũng bị ảnh hưởng nặng.

Trong khi đó, Trung Quốc là nước vay nợ hàng tỷ USD ở nước ngoài, song thị trường trái phiếu địa phương cũng khá phát triển. Còn tại Đông Nam Á, kể từ khủng hoảng tài chính 1997, các nước bắt đầu tập trung hơn vào phát triển thị trường trái phiếu địa phương, song số vay nợ ở nước ngoài của các doanh nghiệp vẫn rất đáng kể.

Các chuyên gia nhận định châu Á và các thị trường mới nổi khác cần phải dựa nhiều hơn vào dòng vốn trên thị trường do các ngân hàng phải đối mặt với nhiều hạn chế trong tăng trưởng và các quy định cứng rắn hơn. Do đó, ủy ban Basel và IOSO nên áp dụng cách làm của Đạo luật Dodd-Frank, đó là miễn trừ các điều khoản khắc nghiệt trong giao dịch ngoại hối của các doanh nghiệp.

Nguồn FT/Khampha


Sự kiện