Doanh nghiệp Ấn Độ nặng nợ
Danh sách các tài sản được trưng ra bán của Sahara Group, một tập đoàn Ấn Độ đang nặng nợ, dài dằng dặc: 86 tài sản bất động sản, 42% cổ phần trong đội đua công thức 1 Force India, 4 máy bay và một loạt các khách sạn sang trọng: Sahara Hotel ở Mumbai, Grosvenor House Hotel ở London, New York Plaza Hotel và The Dream New York Hotel.
Không chỉ Sahara Group, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang rao báo tài sản nhằm giảm nợ. Theo các chuyên gia phân tích tại State Bank of India, có tới 2.000 tỉ rupee (29,8 tỉ USD) giá trị các thương vụ bán tài sản đã được ký hoặc đang được triển khai, cũng giúp giảm bớt phần nào trong tổng số nợ của các công ty Ấn Độ, ước tính lên tới khoảng 10.000 tỉ rupee.
Theo báo cáo của India Ratings Research, 1/3 trong số 500 công ty phi tài chính đã niêm yết lớn nhất Ấn Độ đã không kiếm ra đủ tiền để trả các khoản lãi trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2015. Varun Awtani, chuyên gia phân tích tại India Ratings và là một trong những tác giả của báo cáo trên, cho biết: “Chất lượng tín dụng của những người đi vay lớn nhất đã giảm liên tục kể từ năm tài chính 2012”. Chẳng hạn, theo ông, trong ngành cơ sở hạ tầng và xây dựng, các công ty đã vay nợ rất nhiều và bị tác động bởi các vấn đề như dự án bị trì hoãn và chi phí gia tăng. Doanh nghiệp trong các ngành như sắt, thép thì bị ảnh hưởng bởi giá cả hàng hóa giảm mạnh.
Sahara Group của ông Subrata Roy đang rao bán một số tài sản để trả nợ. Ảnh: thequint.com |
Nếu chỉ tính riêng nợ của 10 doanh nghiệp lớn nhất Ấn Độ cộng lại, mức lãi mà các doanh nghiệp này phải trả còn lớn hơn cả tổng lợi nhuận hằng năm của họ, theo Credit Suisse. Nợ cao ngất ngưỡng tại các doanh nghiệp Ấn Độ có nghĩa là sẽ còn nhiều tài sản được bán ra, từ các nhà máy xi măng, cho đến sân bay và đường bộ có thu phí.
Trước đó, các ông chủ doanh nghiệp nặng nợ cứ hy vọng rằng việc Thủ tướng Narenda Modi tập trung hồi sinh các dự án hạ tầng bị chững lại cùng nền kinh tế nội địa đang khởi sắc sẽ giúp họ xoay chuyển tình thế. Các ngân hàng quốc doanh cũng muốn chờ đợi, thay vì thừa nhận rằng các khoản cho vay của họ có thể sẽ không đòi được, hoặc chỉ đòi lại một phần, càng không muốn tiến hành các thủ tục pháp lý siết tài sản của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đợt bán ra tài sản trong thời gian gần đây có nghĩa là các doanh nghiệp Ấn Độ cũng như ngân hàng đã bắt đầu chấp nhận sự thật về tình trạng tài chính của mình.
Trong năm vừa qua, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) đã ra sức buộc các con nợ lớn phải thực thi nghĩa vụ trả nợ. Cơ quan này cũng khắt khe với các ngân hàng, yêu cầu họ phải trích lập dự phòng đầy đủ đối với tất cả các khoản cho vay “có vấn đề”, dù chúng có bị xếp vào loại nợ xấu hay không, vào cuối tháng 3.2017. Các tài sản chất lượng thấp ước chiếm 14% toàn hệ thống ngân hàng Ấn Độ tính đến tháng 9.2015, theo RBI.
Theo cơ chế tái cấu trúc nợ mà RBI đưa ra, các doanh nghiệp xin xem xét lại khoản vay giờ phải ký một hợp đồng, mà theo đó ngân hàng sẽ có quyền tiếp quản công ty nếu doanh nghiệp không đáp ứng được các điều khoản vay mới. Các quan chức cho rằng rủi ro bị mất quyền kiểm soát sẽ buộc các ông chủ doanh nghiệp phải vắt óc suy nghĩ để tìm cách trả nợ, hoặc bán tài sản hoặc huy động vốn mới.
Gần đây nhất là vào tháng 5, Chính phủ đã thông qua luật phá sản mới. Theo đó, các ngân hàng kể từ năm tới có thể tịch thu tài sản thế chấp của các công ty không còn khả năng trả nợ. Thái độ cương quyết của các nhà điều hành chính phủ cũng khiến các ngân hàng phải ra sức thu hồi nợ, thay vì “dễ dãi” gia hạn hoặc cho vay mới như trước đây.
“Trong quá khứ, những cổ đông sở hữu cổ phần kiểm soát nắm giữ quyền lực rất lớn trong hệ thống. Họ có thể được vay các khoản vay mới cũng như gia hạn khoản vay hiện có. Nhưng luật ngân hàng mới sẽ là yếu tố làm thay đổi cuộc chơi, gia tăng quyền lực cho các chủ nợ (ngân hàng)”, một quan chức chính phủ cấp cao (không muốn nêu tên) nhận xét. Một nhà điều hành cấp cao trong ngành ngân hàng ở Mumbai cũng cho rằng: “Trước đây chẳng ai sẵn lòng giải quyết vấn đề. Nhưng nay đã khác. Có sự thay đổi rất lớn về hành vi ứng xử (của các doanh nghiệp và ngân hàng)”.
Trong khi đó, theo Rajeev Malik, chuyên gia kinh tế cấp cao tại CLSA, “một phần áp lực đến từ RBI, nhưng bản thân doanh nghiệp cũng nhận ra rằng họ phải bắt đầu hành động. Họ không thể cứ chờ đợi, mà không làm gì cả”.
Hồi tháng 3 vừa qua, Jaiprakash Associates đã bán hầu hết các nhà máy xi măng cho đối thủ UltraTech Cement, thuộc Tập đoàn Aditya Birla, với giá 2,4 tỉ USD để giảm phần nào trong tổng số nợ 11 tỉ USD của mình. Công ty này cũng đã huy động được 1,6 tỉ USD nhờ bán các nhà máy thủy điện vào năm 2014.
Cũng trong tháng 3, GVK, công ty cơ sở hạ tầng có trụ sở đặt tại Mumbai, đã bán 33% cổ phần trong Bangalore Airport với giá 329 triệu USD cho Fairfax Holdings và Fairfax India. GVK có tổng nợ khoảng 5 tỉ USD.
Ashish Gupta, đứng đầu bộ phận nghiên cứu cổ phiếu Ấn Độ tại Credit Suisse, cho biết áp lực từ RBI đang thúc đẩy hoạt động bán ra tài sản bằng cách đưa giá trị các tài sản cơ sở hạ tầng trên sổ sách ngân hàng về gần với thực tế hơn. “Nếu tài sản không được đưa về đúng với giá trị thực, tìm người mua sẽ rất khó khăn”, ông nói.
Các chuyên gia phân tích cho rằng các thương vụ bán tài sản sẽ còn gia tăng khi nền kinh tế Ấn Độ đang khởi sắc, đẩy cao giá tài sản và các ông chủ doanh nghiệp sẽ càng sẵn lòng bán ra hơn.
Tuy nhiên, việc bán tài sản có thể cũng sẽ chẳng giúp cải thiện tình hình tài chính của các công ty vay nợ quá nhiều. Trên thực tế, theo khuyến cáo của Credit Suisse, bán tài sản có thể khiến doanh nghiệp càng gặp khó khăn trong việc trả lãi cho số nợ còn lại (sau khi đã bán tài sản để trả bớt nợ). Bởi lẽ, thông thường những tài sản sinh lời, vốn đóng góp phần lớn vào dòng tiền của doanh nghiệp, mới được các công ty đem ra bán.
Một số các chuyên gia kinh tế cũng lo ngại, các biện pháp quá mạnh tay cũng sẽ gây bất ổn cho hệ thống ngân hàng, khiến họ gặp khó khăn trong việc cho vay mới và tăng trưởng từ đó sẽ bị ảnh hưởng. Dẫu vậy, số khác cho rằng bán tài sản sẽ giúp ích cho các ngân hàng qua việc giảm được số nợ xấu trong bảng cân đối tài chính. Từ đó, có thể kích thích các khoản vay mới từ khối ngân hàng quốc doanh mà các khoản vay mới này lại rất cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng.
Đàm Hoa
Nguồn Tổng hợp