Hiện tại, doanh số bán rượu đạt 1,8 nghìn tỉ USD trên toàn cầu vào năm 2023, hầu như không hề giảm. Ảnh: Getty Images.

 
Thứ Tư | 05/02/2025 17:07

Đồ uống không cồn đang trở thành ngành kinh doanh sinh lợi

Tỷ lệ người Mỹ trong độ tuổi 18-34 uống rượu đã giảm xuống còn 62% so với 72% của hai thập kỷ trước.

Sau những ngày lễ hội no say dịp cuối năm, gần 1/3 người Mỹ dự kiến sẽ từ bỏ hoặc ít nhất là cắt giảm rượu trong tháng 1. Nhiều người sẽ tiết kiệm được tiền từ việc này, số khác sẽ giảm cân. Nhưng vẫn có nhiều người người vẫn sẽ tiếp tục uống loại đồ uống yêu thích của họ hoặc ít nhất là một thứ gì đó gần giống như vậy.

Giờ đây, đã có nhiều lựa chọn đồ uống hơn cho những người kiêng rượu hoặc muốn giữ sự tỉnh táo, không còn bị giới hạn ở đồ uống có ga, nước ép trái cây hay nước lọc nữa. Thị trường đồ uống không cồn bao gồm bia, rượu vang và rượu mạnh đã trở nên sôi động trong thời gian gần đây. Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Euromonitor, doanh số toàn cầu của ngành đã đạt 20 tỉ USD vào năm 2023, gấp đôi so với năm năm trước. Thị trường này tăng trưởng khoảng 20% ​​vào năm 2023, so với 8% của đồ uống có cồn. Vậy mảng kinh doanh này sẽ còn lớn đến đâu?

Nhu cầu về đồ uống không cồn không chỉ giới hạn ở Tháng Một Không Bia Rượu (Dry Januaty). Ngày càng có nhiều thanh thiếu niên có ý thức về sức khỏe không muốn đụng đến đồ uống có cồn trong suốt cả năm. Theo số liệu mới nhất từ ​​công ty khảo sát Gallup, tỷ lệ người Mỹ trong độ tuổi 18-34 uống rượu đã giảm xuống còn 62% so với 72% của hai thập kỷ trước. Nhiều người uống rượu đang uống ít hơn hoặc xen kẽ giữa đồ uống có cồn và không cồn. 

 

Để ứng phó với tất cả những điều này, các ông lớn trong ngành rượu đã phát triển các dòng sản phẩm không cồn. Diageo, một trong những công ty lớn nhất, đã dành hai năm để thử nghiệm 400 công thức khác nhau cho phiên bản không cồn của rượu rum Captain Morgan Spiced Gold. Gần đây, công ty đã mua Ritual, một thương hiệu đồ uống không cồn. LVMH, chủ sở hữu của rượu sâm banh Moët & Chandon, đã đầu tư vào French Bloom, một thương hiệu rượu vang không cồn.

Bà Nadine Sarwat của Bernstein cho rằng, doanh số bán hàng của các công ty đồ uống sẽ không giảm nếu họ sản xuất các sản phẩm không cồn. Theo Nielsen, một công ty dữ liệu, hơn 94% người Mỹ mua các sản phẩm thay thế không cồn vẫn mua đồ uống có cồn. Một số người tiêu dùng xem đồ uống không cồn là sản phẩm thay thế cho đồ uống có ga, thay vì rượu. Các loại đồ uống này cũng có xu hướng có lợi nhuận cao hơn đồ uống có cồn, vì chúng có giá chỉ thấp hơn một chút nhưng được đánh thuế nhẹ hơn.

Tuy nhiên, việc tạo ra đồ uống không cồn nhưng vẫn phải giữ nguyên mùi vị không phải là điều dễ dàng. Ngành công nghiệp bia, bắt đầu sản xuất các sản phẩm không cồn vào những năm 1970, là ngành đi xa nhất trong lĩnh vực này. Theo Bernstein, đó là một phần lý do tại sao bia chiếm tới 89% doanh số bán đồ uống không cồn, trong khi rượu vang và rượu mạnh chỉ chiếm lần lượt 7% và 4%. Thay vì đun nóng bia để làm bay hơi cồn, làm hỏng hương vị, các nhà sản xuất đã đưa ra nhiều kỹ thuật ủ bia thay thế khác nhau, nhiều trong số đó là bí mật được bảo vệ chặt chẽ. Athletic Brewing, một thương hiệu nổi tiếng ở Mỹ, đang cố gắng cấp bằng sáng chế cho một số bộ phận trong quy trình sản xuất của mình.

Cuộc đua phát triển các phương pháp sản xuất rượu vang không cồn vẫn đang tiếp diễn. Mặc dù có nhiều cách để loại bỏ cồn khỏi rượu vang, bao gồm thẩm thấu ngược, công nghệ lọc và sử dụng lực ly tâm, nhưng những cách này thường làm hỏng cả hương vị. Rượu vang phụ thuộc vào cồn để có được hương vị và cảm giác khi uống. Ông Moritz Zyrewitz, người sáng lập The Gentle Wine, một thương hiệu rượu vang Đức có nồng độ cồn thấp và không cồn, cho biết: "Chúng tôi đã tụt hậu so với bia 20 năm".

Có những thách thức khác trong việc mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh đồ uống không cồn. Một số người tiêu dùng phản đối giá cả sản phẩm. Các loại rượu khai vị không cồn, chủ yếu là hỗn hợp gia vị và cây cỏ, có thể bán với giá khoảng 40 USD/chai. Trong một cuộc khảo sát gần đây của người Mỹ do The New Consumer và công ty đầu tư Coefficient Capital cho thấy 38% số người được hỏi cho biết đồ uống không cồn nên có giá "rẻ hơn nhiều" so với đồ uống có cồn.

Các thương hiệu đang làm mọi cách có thể để nâng cao sức hấp dẫn của các loại đồ uống thay thế không cồn. Corona Cero, do nhà sản xuất lớn AB InBev tạo ra, là nhà tài trợ chính thức của Thế vận hội Olympic năm ngoái; Heineken 0,0% tài trợ cho Giải đua Công thức 1. Lucky Saint, một thương hiệu bia không cồn khác, đã mở quán rượu riêng ở trung tâm London, phục vụ cả bia có cồn và không cồn. Các công ty khởi nghiệp về đồ uống của người nổi tiếng cũng cung cấp các loại đồ uống thay thế, không cồn. Chẳng hạn như nữ diễn viên Blake Lively, nữ ca sĩ Katy Perry và tay đua Công thức 1, Lewis Hamilton, đều đã ra mắt các thương hiệu cung cấp đồ uống không cồn trong vài năm qua.

 

Hiện tại, doanh số bán rượu đạt 1,8 nghìn tỉ USD trên toàn cầu vào năm 2023, hầu như không hề giảm. Chi tiêu ở nhiều nền kinh tế đang phát triển tiếp tục tăng cùng với thu nhập. Và tỷ lệ chung của người Mỹ uống rượu vẫn ổn định ở mức khoảng 60% trong hai thập kỷ qua, theo Gallup. Những người tiêu dùng lớn tuổi hơn đang bù đắp cho ngành. Doanh số bán lẻ tại các cửa hàng bia, rượu vang và rượu mạnh ở Mỹ tiếp tục tăng đều đặn. 

Có thể bạn quan tâm: 
Ấn Độ cần làm gì để tăng xuất khẩu may mặc?

Nguồn The Economist