Thứ Hai | 19/11/2012 19:02

Đô la Australia và Canada được IMF công nhận là tiền dự trữ

Tiền tệ của Australia và Canada chính thức trở thành tài sản dự trữ của IMF, đánh dấu sự khởi đầu của hệ thống dự trữ đa tiền tệ.
Trong một động thái khiến nhiều chuyên gia tiền tệ ngạc nhiên, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa kêu gọi các nước thành viên trong năm tới sử dụng đồng tiền của Australia (AUD) và Canada (CAD) làm đồng tiền tiền dự trữ tại các ngân hàng trung ương.

Việc quyết định đưa đồng CAD và AUD vào danh sách đồng tiền dự trữ của IMF phản ánh phần nào sự đa dạng hóa ngày càng tăng trong hệ thống tiền tệ dự trữ của thế giới ước tính vào khoảng 10,5 nghìn tỷ USD. Ngoài ra, động thái của IMF được cho là tác động trên phạm vi rộng tới thị trường chứng khoán và trái phiếu thế giới.

Việc danh sách các tài sản dự trữ chính thức - bao gồm USD, euro, bảng Anh, đồng yên Nhật và đồng franc Thụy Sĩ - có thêm hai đồng tiền mới cũng đánh dấu giai đoạn mới trong sự phát triển của hệ thống tiền dự trữ. Trong suốt 150 năm qua, thế giới hầu như chỉ có hai đồng tiền dự trữ chính là đồng bảng Anh trước khi Thế chiến 1 kết thúc, và đồng USD kể từ đó đến nay.

Đồng bảng Anh - dù vẫn là đồng tiền dự trữ thứ 3 của thế giới theo số liệu của IMF - đã suy giảm tương đối kể từ Thế chiến 2. Năm 1999, euro ra đời đã chính thức soán ngôi đồng tiền dự trữ số 2 thế giới. Trong khi đó, đồng USD vẫn giữ vai trò là đồng tiền dự trữ phổ biến nhất thế giới.

Theo các nhà kinh tế, nguyên nhân chính khiến IMF chọn AUD và CAD làm tài sản dự trữ chính thức của thế giới là do sự phổ phiến của hai đồng tiền này. Bên cạnh đó, giá trị của AUD và CAD đã tăng tương đối mạnh so với đồng USD trong những năm qua, phản ánh tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định cùng hệ thống ngân hàng vững mạnh trước khủng hoảng toàn cầu của Australia và Canada. Theo số liệu của IMF, lượng tiền dự trữ bằng đồng AUD và CAD ước tính vào khoảng 60 tỷ USD.

Trong khi đó, một số đồng tiền của các nền kinh tế mạnh khác như đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, đồng won của Hàn Quốc và đồng SGD của Singapore vẫn chưa được công nhận là đồng tiền dự trữ, nguyên nhân là do chỉ một số ngân hàng trung ương trên thế giới dự trữ tài sản bằng những đồng tiền này. Việc không có một đồng tiền nào của châu Á (trừ đồng yên Nhật) có mặt trong danh sách của IMF cho thấy thị trường vẫn chưa được coi tiền tệ châu Á là tài sản dự trữ.

Nguồn Marketwatch/Khampha


Sự kiện