Thứ Bảy | 04/07/2015 15:20

Điều gì xảy ra nếu người Hy Lạp nói “không”?

Người Hy Lạp sẽ bỏ phiếu về việc có chấp nhận đề xuất của các chủ nợ về các biện pháp khắc khổ hay không để đổi lấy gói cứu trợ.

Cử tri đã nhận được thông điệp rõ rằng từ khu vực đồng euro: hãy bỏ phiếu “Có” trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày Chủ nhật 5/7. Nhưng chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras lại đang vận động theo chiều ngược lại.

Tiếp theo là gì?

Kết quả khảo sát cho thấy kết quả rất sít sao và chỉ có một điều chắc chắn về cuộc trưng cầu dân ý là thời điểm: Diễn ra từ 7h sáng đến 7h tối và có thể biết kết quả trước nửa đêm cùng ngày.

Dù thế nào đi nữa, tiếp sau sẽ là các cuộc đàm phán khẩn cấp, kết quả chỉ quyết định bên nào chiếm lợi thế.

Dieu gi xay ra neu nguoi Hy Lap noi “khong”?
 

Những viễn cảnh dưới đây được đưa ra dựa vào ý kiến của các quan chức đang nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng Hy Lạp, cùng với giới đầu tư và các nhà kinh tế học.

Viễn cảnh 1: “Có” - Và gói cứu trợ thứ 3

Nếu người Hy Lạp nói “Có”, gói cứu trợ thứ 3 sẽ được giải ngân trong vài tuần nếu tất cả các bên đều hướng đến mục tiêu này, mặc dù Hy Lạp có thể cần phải thành lập chính phủ mới cùng thời gian. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý có thể sẽ có trong vài giờ và một số chính trị gia đã nêu ra viễn cảnh về đoàn kết dân tộc, chính phủ thân châu Âu với các bên ủng hộ cuộc bỏ phiếu “Có”.

Các quan chức khu vực đồng euro có thể sẽ nhanh chóng nhóm họp để bàn thảo các bước tiếp theo. Ngay khi đạt được thỏa thuận về nguyên tắc, Hy Lạp sẽ được giải ngân 3,3 tỷ euro (3,7 tỷ USD) - khoản tiền được dành cho gói cứu trợ thứ 2 và sau đó bị loại khỏi bàn đàm phán hôm 30/6.

Viễn cảnh 2: Hy Lạp nói “Không”

Nếu cử tri Hy Lạp làm theo đề xuất của Thủ tướng Alexis Tsipras và bác bỏ các điều khoản cứu trợ, Hy Lạp sẽ chưa ngay lập tức rời khỏi eurozone. Thay vào đó, nước này sẽ phải chịu áp lực tự in đồng tiền riêng trong vòng 3-4 tuần.

Đó là vì các ngân hàng Hy Lạp sẽ sớm mất khả năng đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) về các khoản thế chấp cần thiết để tiếp cận khoản Hỗ trợ Thanh khoản Khẩn cấp (ELA) và chính phủ Hy Lạp sẽ cạn tiền mặt để thanh toán các hóa đơn và trả lương cho người lao động.

ECB sẽ ngay lập tức rút bỏ mọi hỗ trợ?

Không nhất thiết phải như vậy. ECB có thể sẽ không rút bỏ mọi hỗ trợ ngay lập tức. Thay vào đó, cơ quan giám sát của ECB sẽ quyết định phương thức định giá tài sản của chính phủ Hy Lạp theo bảng cân đối cân đối kế toán của các ngân hàng Hy Lạp. Trong khi đó, cơ quan chính sách tiền tệ của ECB sẽ xem xét liệu có nên phản đối tài sản thế chấp mà các định chế cho vay đưa ra để được tiếp cận ELA từ Ngân hàng trung ương Hy Lạp hay không.

Sau đó, các ngân hàng sẽ đối mặt với việc phải cung cấp thêm tài sản thế chấp. Cơ quan giám sát ECB và việc xem xét lại ELA có thể cho thấy các ngân hàng Hy Lạp rơi vào tình trạng vỡ nợ và Hy Lạp sẽ không thể sử dụng đồng euro để làm chỗ dựa nữa.

Hy Lạp cũng sẽ phải đối mặt với một loạt thử thách tài chính, kể cả tái cấp vốn và thanh toán các khoản vay. Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 20/7 khi Hy Lạp cần phải thanh toán 3,5 tỷ euro trái phiếu mà ECB đang nắm giữ.

Các luật sư sẽ xử lý như thế nào?

Ngay khi Hy Lạp tái phát hành đồng tiền riêng, các thủ tục pháp lý cần phải được hoàn thiện. Mọi hợp đồng đã ký bằng đồng euro sẽ đều phải được xem xét. Một vài thủ tục pháp lý cần phải được thực hiện để đưa Hy Lạp ra khỏi eurozone hoặc ít nhất là tạm ngừng tư cách thành viên.

Điều gì sẽ xảy ra khi đồng drachma trở lại?

Bất kỳ đồng tiền mới này đều bắt đầu với mức khấu hao lớn so với đồng euro. Giới phân tích cho rằng sức mua người Hy Lạp sẽ giảm 30-40% khi nước này thay thế đồng euro.

Sau khi phát hành, giá trị của  đồng drachma có thể giảm hơn nữa khi giá cả và lạm phát tăng. Nếu Hy Lạp may mắn, đồng tiền mới có thể đạt được trạng thái cân bằng sau vài tháng nhờ vào tiền tiết kiệm và chi phí du lịch.

Kinh tế Hy Lạp cũng có thể rơi tự do. Ở điểm này, Hy Lạp có thể cần đến một gói cứu trợ khác khi mọi chuyện ngày một xấu hơn. 

Phan Nguyễn

Nguồn Bloomberg