Điều gì sẽ xảy ra nếu Síp vỡ nợ?
Trong trường hợp xấu nhất, nếu Síp không thể thực hiện yêu cầu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trước thời điểm 25/3, đây thực sự sẽ làm một thảm họa, không chỉ riêng với Síp và còn với cả châu Âu.
Điều duy nhất giúp các ngân hàng Síp tồn tại cho đến lúc này là các khoản vay ngắn hạn từ Ngân hàng trung ương Síp, nhưng phải có sự cho phép của ECB. Sở dĩ họ cần tới các khoản vay này là do họ không thể đi vay theo cách thông thường. Hầu hết các ngân hàng Síp đều không đủ tài sản thế chấp để nhận được các khoản vay bình thường từ ECB, trong khi các tổ chức tài chính khác cũng không muốn cho các ngân hàng Síp vay do lo sợ tiền sẽ “một đi không trở lại”.
Mặc dù không được công khai, song các nhà phân tích cho rằng số tiền mà Ngân hàng trung ương Síp cho các ngân hàng trong nước cho vay hiện nay ở mức 9 tỷ euro (11,6 tỷ USD).
Nếu ECB rút chương trình thanh khoản khẩn cấp (ELA), các ngân hàng Síp chắc chắn sẽ buộc phải đóng cửa hoặc sẽ nhanh chóng sụp đổ do không đủ tiền đáp ứng nhu cầu rút tiền ngày càng cấp bách của người dân.
Các ngân hàng đóng cửa, đồng nghĩa người lao động Síp sẽ không được nhận lương, các khoản thanh toán thế chấp cùng nhiều loại giấy tờ thanh toán khác sẽ bị ngừng lại, thậm chí cả hóa đơn tiền điện.
Theo logic, sau khi các ngân hàng ngừng hoạt động, chính phủ Síp sẽ tuyên bố vỡ nợ, hoặc sẽ buộc phải vực dậy hệ thống ngân hàng.
Những dãy người xếp hàng để rút tiền ra khỏi ngân hàng tại Sip là dấu hiệu đầu tiên cho sự chao đảo một lần nữa của châu Âu. Cuộc khủng hoảng một lần nữa cho thấy lòng tin là cái mà lục địa già đang cần nhất lúc này. |
Khi đồng euro khan hiếm do quốc gia vỡ nợ, chính phủ Síp có thể buộc phải ban hành một số loại giấy tờ vay tiền để người dân mua các nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn tới tình trạng siêu lạm phát, trong đó giá các loại hàng hóa sẽ tăng gấp đôi, gấp ba, thậm chí còn tồi tệ không kém những gì từng diễn ra ở Zimbabwe.
Người dân Síp thậm chí có thể phải sử dụng cách trao đổi hàng hóa cho nhau để mua bán khi chính phủ Síp thực hiện biện pháp ngăn chặn tiền chảy qua biên giới. Thương mại Síp khi đó sẽ chậm lại, thậm chí là ngừng hẳn.
Khi tình trạng vỡ nợ đạt đến đỉnh điểm, dĩ nhiên Síp sẽ phải rời eurozone và khi đó không một ai có thể đoán trước điều gì sẽ xảy ra, nhưng tất cả đều hiểu rõ đó sẽ là một nguy cơ đáng sợ với Síp và cả châu Âu. Thậm chí, cũng như khủng hoảng Hy Lạp, sự ra đi của một quốc gia thành viên có thể dẫn đến sự sụp đổ của khối đồng tiền chung duy nhất của thế giới.
Dù Síp có thể tránh được cơn ác mộng vỡ nợ, cũng phải mất một thời gian dài quốc gia nhỏ bé này mới có thể hồi phục trở lại. Các biện pháp mà chính phủ Síp áp dụng để đảm bảo cho các khoản nợ, điển hình như tăng thuế doanh nghiệp, đánh thuế tiền gửi, sẽ làm tổn thương nặng nề tới tăng trưởng kinh tế.
Việc quốc hội Síp chối bỏ kế hoạch đánh thuế tiền gửi tiết kiệm của chính phủ khiến các chủ nợ vô cùng giận dữ và đe dọa sẽ rút thỏa thuận cứu trợ với nước này. |
Cho đến nay, Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ECB và các nhà lãnh đạo Síp vẫn đang cố gắng tìm kiếm lối thoát cho gói cứu trợ 10 tỷ euro (13 tỷ USD) – số tiền quan trọng giúp Síp ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, việc quốc hội Síp chối bỏ kế hoạch đánh thuế tiền gửi tiết kiệm của chính phủ khiến các chủ nợ vô cùng giận dữ và đe dọa sẽ rút thỏa thuận cứu trợ với nước này. ECB thậm chí còn ra “tối hậu thư” với đảo Síp, trong đó buộc nước này phải tuân thủ đúng các điều khoản thỏa thuận đã ký nếu như không muốn bị đưa ra khỏi danh sách các nước được áp dụng ELA.
Ngay cả khi ECB và Síp ký được thỏa thuận cứu trợ, những bất ổn trong việc ra quyết sách trong tuần qua cũng khiến niềm tin của các nhà lãnh đạo châu Âu với Síp bị lung lay dữ dội.
Nguồn AP/Khampha