Thứ Sáu | 17/08/2012 13:48

Điều gì sẽ xảy ra nếu kinh tế Trung Quốc "hạ cánh cứng"?

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, ngay cả khi "hạ cánh cứng" hay tăng trưởng xuống dưới 7%, Trung Quốc đủ sức để ngăn chặn thiệt hại.
Mặc dù các nhà kinh tế tin rằng Trung Quốc có thể tránh được "hạ cánh cứng", nhưng không phải ai cũng lạc quan về triển vọng kinh tế nước này khi các cuộc khủng hoảng gần đây đều kết thúc tồi tệ hơn nhiều so với dự báo.

Jurrien Timmer, giám đốc nghiên cứu đầu tư của Fidelity Investment nhận định khi nhìn vào các dữ liệu như sản lượng điện, xuất khẩu sang Hàn Quốc, giá than, quặng sắt..., Trung Quốc có khả năng chỉ tăng trưởng tầm 5-6%. Do đó, nếu "hạ cánh cứng" là tăng trưởng dưới 6% thì Trung Quốc đang "hạ cánh cứng".

Trong trường hợp này, Trung Quốc có thể buộc các ngân hàng cho vay, Michael Yoshikami, CEO và là người sáng lập công ty quản lý tài sản Destination tại San Francisco dự đoán. Ông cho biết không giống châu Âu hay Mỹ, Trung Quốc có nhiều tiền trong ngân hàng và không cần bán trái phiếu để tạo tiền. Theo ông, họ "không cần in thêm tiền khi đã có nhiều tiền".

Suy giảm tăng trưởng ở Trung Quốc sẽ có tác động lớn với kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng nợ châu Âu và các lo ngại Mỹ tiến gần tới "vách đá tài chính" khi kế hoạch giảm ngân sách và tăng thuế tự động có hiệu lực vào cuối năm.

Các nước xuất khẩu hàng hóa (như Brazil, Australia, Peru, Argentina) cũng như các quốc gia ASEAN xuất khẩu đồ điện sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu Trung Quốc "hạ cánh cứng".

Bank of America Merrill Lynch (BofA) dự đoán nếu GDP Trung Quốc giảm 2%, tác động sẽ chỉ giới hạn trong châu Á. Trong khi GDP Trung Quốc giảm 4% tác động đủ lớn để lan sang các khu vực châu Âu và Trung Đông, đặc biệt các nước Nga, Kuwait và Phần Lan. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm 0,5% nếu điều này xảy ra.

Nếu kinh tế Trung Quốc sụp đổ, mà theo BofA là GDP nước này giảm 6%, các nền kinh tế lớn nhất châu Âu: Đức, Pháp và Anh và thậm chí Mỹ sẽ bị ảnh hưởng. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm 0,8%.

Tháng vừa rồi, BofA hạ dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2012 xuống 7,7% từ 8% và năm 2013 xuống 7,6% từ 8%. Tuy vậy, BofA tin rằng Trung Quốc chỉ "hạ cánh mềm" và dự đoán tăng trưởng GDP Trung Quốc trên 7% là hợp lý do quy mô kinh tế khổng lồ của Trung Quốc cùng nhu cầu bên ngoài giảm.

BofA cho rằng Bắc Kinh tiếp tục chính sách nới lỏng, kích thích và Trung Quốc vẫn còn nhiều điều kiện để tạo răng mức tăng trưởng nhanh hơn.

Nguồn CNBC/ Khampha


Sự kiện