Điều gì sẽ xảy ra nếu Hy Lạp không thể trả nợ IMF
Các nhà lãnh đạo eurozone sẽ gặp nhau trong cuộc họp khẩn vào ngày 22/6 nhằm cố gắng thay đổi viễn cảnh Hy Lạp vỡ nợ và phải ra khỏi khu vực đồng tiền chung trong bối cảnh người dân quốc gia Địa Trung Hải này đang ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng và nguồn thu của chính phủ sụt giảm trong khi Athens và các chủ nợ vẫn bế tắc trong việc đạt được thỏa thuận.
Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde đã bác bỏ việc gia hạn trả nợ đối với Hy Lạp và cho biết, IMF sẽ xem xét việc Hy Lạp vỡ nợ nếu không thanh toán đúng hạn vào cuối tháng này.
Việc này có thể gây rối loạn thị trường tài chính Hy Lạp và khu vực eurozone, đồng thời có thể làm tăng tốc độ rút tiền của người dân, buộc Athens phải áp dụng biện pháp kiểm soát nguồn vốn và chặn dòng tiền chảy khỏi nước này.
Tuy nhiên, một quan chức cao cấp EU cho biết, việc Hy Lạp không thể trả đúng hạn khoản nợ của IMF sẽ không tự động khiến eurozone ngừng cung cấp các khoản nợ cho Hy Lạp.
Câu hỏi tiếp theo là Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cần bao lâu để tiếp tục cung cấp khoản cho vay khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp - một phần bảo đảm bằng trái phiếu của chính phủ Hy Lạp.
Ủy ban điều hành chính sách của ECB luôn tiến hành các phiên họp hàng tuần kể từ tháng 2 về mức trần gói hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA) từ ngân hàng trung ương Hy Lạp đối với các ngân hàng thương mại - ELA hiện đã tăng lên 83,7 tỷ euro.
ECB có thể giữ nguyên hoặc hạ thấp mức trần ELA hoặc tăng hay giảm cái gọi là “haircut” (tỷ lệ chênh lệch giữa giá trị của giấy tờ có giá tại thời điểm định giá và giá thanh toán) áp dụng với tài sản thế chấp của các ngân hàng Hy Lạp, cả trái phiếu chính phủ và các khoản cho vay tư nhân.
Kỳ trả nợ tiếp theo của Hy Lạp là vào tháng 7 và tháng 8, thời điểm nước này phải mua lại trái phiếu mà ECB đang nắm giữ với tổng trị giá 6,8 tỷ euro.
Có thể một số chủ nợ châu Âu sẽ kêu gọi ngừng cấp vốn từ ngân sách EU cho Hy Lạp mặc dù việc này cũng có thể chịu áp lực từ các tổ chức xã hội nhằm cung cấp hỗ trợ nhân đạo khi nền kinh tế Hy Lạp suy thoái do tác động của việc vỡ nợ.
Tuần trước, tổ chức xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s đã hạ xếp hạng nợ chính phủ Hy Lạp và 4 ngân hàng nước này xuống CCC, cho thấy khả năng vỡ nợ trong vòng 12 tháng nếu không đạt được thỏa thuận giữa Athens và các chủ nợ.
S&P cũng cho biết, chính phủ Hy Lạp dường như đang ưu tiên cho việt trả lương hưu và lương lao động thay vì lãi nợ cho các chủ nợ.
Hiện vẫn chưa rõ chính phủ Hy Lạp có thể trả lương cho công chức, người hưởng lương hưu và cho các nhà cung cấp sản phẩm thiết yếu trong bao lâu nữa. Ngân sách quốc gia đang dần đạt đến mức cân đối cơ bản (primary balance) và chính phủ đã yêu cầu các cơ quan chuyển toàn bộ lượng tiền mặt dự trữ cho ngân hàng trung ương.
Tuy nhiên, doanh thu thuế có thể giảm do bất ổn khi chính phủ Hy Lạp vỡ nợ.
Nhiều nhà cung cấp cho biết, họ đã không được thanh toán tiền trong nhiều tháng và chính phủ Hy Lạp có thể phải thanh toán toàn bộ hoặc một phần số tiền đến hạn phải trả ở dạng giấy nợ (IOU). Điều này có thể tạo ra một loại tiền tệ song song nếu IOU bắt đầu được sử dụng để đổi lấy hàng hóa hoặc euro với tỷ lệ chiết khấu nhất định so với mệnh giá.
Phan Nguyễn
Nguồn Reuters