Điều gì sẽ xảy ra khi các đại gia dầu đổ nợ?
Khi giá cả hàng hóa sụp đổ vào cuối năm 2014, các nhà điều hành ngành dầu mỏ nhìn vào các công ty khai khoáng với cái nhìn khá trịch thượng. Lúc đó, các tập đoàn dầu mỏ lớn nhất thế giới đang tận hưởng bảng cân đối kế toán khá đẹp, không vay nợ, hoặc vay rất ít. Còn các tập đoàn khai thác mỏ thì rơi vào thế vô cùng chông chênh. Rio Tinto, Anglo American Plc, Glencore và nhiều công ty khai khoáng lớn khác đã phải cắt giảm cổ tức, thực hiện các biện pháp cắt giảm mạnh tay để kiểm soát nợ.
Hai năm sau, các đại gia dầu mỏ không còn có thể cười được nữa. Khi giá dầu thô giảm mạnh, các hãng dầu mỏ lớn đã chứng kiến nợ tăng vọt lên mức cao nhất từ trước đến nay, khiến nhiều người lo ngại về khả năng duy trì sản xuất và trả cổ tức của các doanh nghiệp ngành này.
Exxon Mobil, Royal Dutch Shell, BP và Chevron tổng cộng có nợ ròng lên tới 184 tỉ USD, hơn gấp đôi mức nợ của năm 2014, khi giá dầu bắt đầu giảm sâu, cuối cùng chạm đáy ở mức 27 USD/thùng vào đầu năm nay. Giá dầu thô đã tăng trở lại kể từ đó nhưng vẫn ngấp nghé mức 50 USD/thùng. Đáng nói là mức nợ, vốn đã tăng gấp hơn 10 lần kể từ năm 2008, có xu hướng tăng mạnh hơn trong quý III và quý IV tới, theo các nhà điều hành trong ngành và giới chuyên gia phân tích.
Mối lo ngại chính là các tập đoàn cho đến nay đã không thể nào hãm được đà tăng của nợ, theo Harold “Skip” York, Phó Chủ tịch năng lượng tích hợp tại hãng tư vấn Wood Mackenzie Ltd. “Nợ, nếu ví như màu đèn giao thông, thì đang ở mức đèn vàng. Nếu giá dầu không tăng lên hoặc doanh nghiệp không bán mạnh tài sản thì cam kết duy trì mức trả cổ tức cho cổ đông sẽ không thực hiện được”, ông nói.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm cho thấy các công ty dầu mỏ “nhiều khả năng sẽ tạo ra dòng tiền âm trong cả năm 2016”, Dimitry Marinchenko, thuộc Fitch Ratings, nhận xét. Lấy ví dụ từ Chevron. Trong nửa đầu năm nay, Công ty tạo ra 3,7 tỉ USD nhờ bơm dầu, lọc dầu, bán xăng dầu và các sản phẩm khác. Nhưng con số này không đủ để trang trải 4 tỉ USD trả cho cổ đông trong cùng kỳ, huống chi là khoản tiền 10 tỉ USD đã đầu tư vào các dự án. Mặc dù Chevron đã cố giảm nợ bằng cách bán 1,4 tỉ USD giá trị tài sản, nhưng vẫn còn phải đau đầu vì khoản nợ mới 6,5 tỉ USD trong 6 tháng.
Sự mất cân đối này giải thích vì sao nợ tăng nhanh trong suốt thập niên qua. Hiện nợ đang gia tăng với tốc độ hằng năm 11,5%, hơn gấp đôi mức tăng 5,1% của giai đoạn 2009-2014, theo Virendra Chauhan, chuyên gia phân tích dầu mỏ tại hãng tư vấn Energy Aspects Ltd. tại Singapore.
Các nhà điều hành tại BP, Shell, Exxon và Chevron đã trấn an nhà đầu tư rằng họ sẽ tạo ra đủ tiền mặt vào năm 2017 để thanh toán cho các khoản đầu tư mới cũng như cổ tức, nhưng một số cổ đông vẫn tỏ ra hoài nghi. Trong nửa đầu năm 2015, các công ty nói trên đã thiếu tới 40 tỉ USD, theo một phân tích của Wall Street Journal. “Những công ty này sẽ không thể duy trì mức cổ tức hiện tại với mức giá dầu 50-60 USD”, Michael Hulme, nhà quản lý quỹ Carmignac Commodities Fund, có sở hữu cổ phần trong Shell và Exxon, nhận xét.
Mức nợ vẫn cứ tăng cao mặc cho nỗ lực cắt giảm hàng tỉ USD vào những dự án mới và các cơ sở hoạt động hiện tại. Việc phải hoàn trả các khoản vay có thể tạo gánh nặng suốt nhiều năm tới cho các công ty dầu mỏ, khiến họ càng khó thực hiện đầu tư vào những dự án khác cũng như tiếp tục gia tăng sản xuất.
Các công ty nói trên đã dành hơn 100% lợi nhuận vào cổ tức năm ngoái. Năm nay, vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn. Trong 3 tháng kết thúc vào tháng 6 vừa qua, Exxon, chẳng hạn, đã trả 3,1 tỉ USD cổ tức và chỉ có 1,7 tỉ USD lãi ròng, theo S&P Global Market Intelligence. “Họ đang không đủ chi tiêu để gia tăng sản xuất”, Jonathan Waghorn, đồng quản lý danh mục đầu tư tại London thuộc Guinness Atkinson Asset Management Inc., nhận xét.
Tuy nhiên, các hãng dầu mỏ nói rằng họ có nhiều biện pháp chi trả nợ như bán tài sản, phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông thay vì trả cổ tức bằng tiền mặt và tiếp tục cắt giảm chi phí. Các mức lãi suất thấp kỷ lục cũng đang giúp cho gánh nợ nhẹ đi phần nào. Họ cũng nói thêm, vấn đề nợ chỉ là tạm thời khi doanh nghiệp đang thực hiện tái cấu trúc và nợ sẽ giảm khi giá dầu tăng lên.
“Chúng tôi đang trong giai đoạn chuyển giao vào năm 2016”, Tổng Giám đốc Ben Van Beurden của Shell, phát biểu trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh hồi tháng 7. Tập đoàn này cho biết nợ ròng đã tăng tới hơn 75 tỉ USD tính đến cuối quý II/2016, phần lớn do thương vụ thâu tóm BG Group PLC trị giá 54 tỉ USD. BP thì cho biết dự kiến sẽ có thể trang trải cho các cơ sở hoạt động, thực hiện các khoản đầu tư mới và hoàn thành nghĩa vụ trả cổ tức ở mức giá dầu từ 50-55 USD/thùng vào năm tới.
Nhưng giới phân tích và nhà đầu tư cho rằng đà giảm mạnh của giá dầu đang khiến cho các hãng dầu mỏ gặp khó khăn hơn bao giờ hết trong việc huy động vốn bằng việc bán tài sản để trả nợ. Còn phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông thì chỉ càng làm tăng áp lực trả cổ tức trong tương lai mà thôi.
Tuy nhiên, một số quỹ cho rằng BP, Shell, Exxon và Chevron đủ lớn để có thể sống sót qua 1,5 năm nữa. Wilmington Trust đã giảm khoản đầu tư vào các công ty năng lượng mà họ cho là có rủi ro cao hơn, thay vào đó mua nợ của các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, Wilmington Trust vẫn còn đầu tư vào nợ phát hành bởi BP, Chevron và Shell.
Goldman Sachs dự báo giá dầu sẽ tiếp tục duy trì ở mức 45-50 USD/thùng trong phần lớn năm tiếp theo. Ảnh: bidnessetc.com |
Nhưng nếu giá dầu ở dưới mức 40 USD/thùng một khoảng thời gian dài nữa, thì các công ty dầu mỏ sẽ buộc phải cắt giảm cổ tức, theo Iain Reid, chuyên gia phân tích dầu mỏ cấp cao tại Macquarie Capital. Một báo cáo của Goldman Sachs tuần trước đã dự báo giá dầu sẽ tiếp tục ở mức 45-50 USD/thùng trong phần lớn năm tiếp theo. “Câu hỏi đặt ra là liệu họ có thể sống sót qua năm nay và năm tới mà không phải thực hiện các biện pháp triệt để, quyết liệt như cắt giảm cổ tức”, Reid nói.
Nợ ròng tăng mạnh đã góp phần đẩy tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của các công ty dầu mỏ lên mức cao nhất trong nhiều năm qua, buộc các tổ chức xếp hạng phải hạ bậc tín nhiệm nợ. S&P, chẳng hạn, đã hạ bậc tín nhiệm nợ của Shell, Chevron, Exxon và BP.
Tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của Shell hiện đang đứng ở mức 28%. Giám đốc Tài chính Simon Henry cho biết con số này có thể tăng lên tới 30%. Tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của BP hiện hơn 25% trong khi Chevron là 20% và Exxon vào khoảng 18%. Trong khi đó, vào năm 2012, tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của Shell chỉ vào khoảng 10%, còn Exxon chỉ 1,2%. Quay trở lại năm 2005, khi giá dầu đang tăng mạnh, Exxon chẳng có khoản nợ nào và lợi nhuận của Tập đoàn cao đến mức các nhà điều hành của Exxon và các hãng dầu mỏ lớn khác đã bị buộc phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ về các khoản lợi nhuận khủng của họ.
Hầu hết các khoản nợ mới đều là trái phiếu doanh nghiệp. Exxon, chẳng hạn, phát hành 12 tỉ USD giá trị nợ vào tháng 2. Hai tháng sau, Công ty bị S&P Global Ratings hạ bậc, mất đi hệ số tín nhiệm AAA nắm giữ kể từ năm 1930.
Đối với một số ông chủ dầu mỏ như Ben Van Beurden của Shell, giảm nợ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, trước cả việc trả cổ tức cho cổ đông và đầu tư vào các dự án mới. Và họ cũng không quên cầu nguyện giá dầu sẽ tăng trở lại.
Đàm Hoa
Nguồn WSJ / Bloomberg