Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos: Động lực vượt qua chủ nghĩa bảo hộ
→Ông Trump "để ngỏ" khả năng Mỹ tái gia nhập TPP
Một thế giới rạn nứt
Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2018 vừa bế mạc tại Davos, Thụy Sĩ. Cũng như mọi năm sự kiện thường niên này quy tụ nhiều lãnh đạo chính phủ, giới tinh hoa kinh tế và các nhà hoạt động xã hội lớn trên toàn cầu. Hơn 3.000 người tham dự Diễn đàn, trong số đó có hơn 1.900 lãnh đạo doanh nghiệp, 70 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, cùng nhiều nhà hoạt động xã hội dân sự nổi tiếng.
Với chủ đề “Tạo dựng tương lai chung trong một thế giới rạn nứt”, Davos 2018 tập trung vào mục đích thúc đẩy chia sẻ, chung sức của cộng đồng quốc tế nhằm đối phó với thách thức toàn cầu.
Diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới bắt đầu có những có dấu hiệu hồi phục khả quan 10 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính với vụ đổ bể ngân hàng Lehman Brothers. Tuy vậy, viễn cảnh kinh tế thế giới năm nay chưa hẳn đã là tươi sáng. Thế giới vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, cạnh tranh địa chính trị giữa các quốc gia.
Đáng chú ý, thế giới đã xuất hiện những rạn nứt trong các mối quan hệ giữa các cường quốc. Tại Liên Hiệp Châu Âu, nước Anh dứt áo ra đi. Quan hệ Mỹ với các cường quốc như Trung Quốc, Nga đều có những trục trặc về cả chính trị cũng như kinh tế kể từ khi tỷ phú Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ.
Chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của ông Donald Trump đã khiến thế giới lo ngại. Những quyết định của ông Trump để bảo vệ lợi ích kinh tế của Mỹ đã phủ nhận các nguyên tắc mà các nhà lãnh đạo dự Diễn đàn kinh tế thế giới Davos lần thứ 48 vốn luôn tin tưởng, như thương mại tự do, toàn cầu hóa, chủ nghĩa đa phương, hợp tác để giải quyết những vấn đề lớn của thế giới...
Trong bài diễn văn đọc tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, ông Trump không đề cập tới bản tin gây chấn động rằng ông đã hạ lệnh sa thải ông Mueller, người đang điều tra những cáo buộc là có sự cấu kết giữa ban vận động bầu cử của ông Trump với Nga vào năm 2016, và cáo buộc cho rằng Tổng thống Trump đã cản trở công lý. Thay vào đó, ông tập trung bám sát bài diễn văn đã soạn sẵn, nhấn mạnh đến các điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh sinh lời ở Hoa Kỳ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Diễn đàn. Fortune |
Tuy nhiên, tại Diễn đàn, ông Trump tuyên bố "bây giờ là lúc tốt hơn bao giờ hết để làm ăn ở Mỹ". Ông khẳng định nghị trình chủ đạo "Nước Mỹ trên hết" của ông không ngăn cản ông thương lượng các hiệp định thương mại song phương, với điều kiện là các hiệp định này phục vụ các lợi ích của nước Mỹ.
Ông Trump tìm cách chào mời các doanh nghiệp tầm cỡ toàn cầu để đổ thêm đầu tư vào Hoa Kỳ. Ông phát biểu: "Nước Mỹ đang phất cờ trở lại và bây giờ là thời điểm để đầu tư vào tương lai của Mỹ", ông đơn cử các biện pháp cắt giảm thuế, cải cách luật pháp và các nguồn năng lượng mới.
Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố rằng các chính sách phải tập trung vào việc cải thiện điều kiện cho những "người bị bỏ quên", một chủ đề trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của ông. Ông nói: "Khi nhiều người bị bỏ quên, thế giới trở nên rạn nứt. Chỉ có lắng nghe và đáp lại tiếng nói của những người bị bỏ quên, chúng ta mới có thể tạo ra một tương lai tươi sáng mà tất cả mọi người thực sự cùng hưởng chung". Một khẩu hiệu mới của Donald Trump được đưa ra: ‘‘Nước Mỹ trước đã, không phải là nước Mỹ một mình”.
Bài phát biểu của ông Trump ở Davos không thảo luận một cách thẳng thắn về các vấn đề mậu dịch, kể cả quyết định rút ra khỏi hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khiến Hoa Kỳ bị gạt sang bên lề trong khi tăng cường vai trò của Trung Quốc và các nước khác.
Toàn cầu hóa đạo lý hơn
Tại Davos, tất cả các lãnh đạo chính trị kế tiếp nhau lên diễn đàn đều kêu gọi tiến trình toàn cầu hóa cần phải có đạo lý hơn, có nghĩa là cần ưu tiên chia sẻ các nguồn phúc lợi, phương tiện duy nhất để chống lại các xu thế cực đoan các loại.
Không thể phủ nhận là tình hình kinh tế thế giới sẽ tốt hơn và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế đã điều chỉnh tăng mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới lên 3,9% trong hai năm tới. Giới chủ doanh nghiệp nhìn thấy tương lai màu hồng, và nghiên cứu mà cơ quan tư vấn PWC công bố, cho thấy có tới 42% trong số họ khẳng định rất tin tưởng vào việc gia tăng các hoạt động.
Tuy nhiên, chưa bao giờ lại có rất nhiều các rủi ro đe dọa nghiêm trọng tăng trưởng kinh tế đến như vậy. Các nguy cơ đó không hoàn toàn là về kinh tế, ví dụ như khủng bố, các mối đe dọa về địa chính trị hoặc các hiện tượng biến đổi khí hậu.
Những rủi ro này đòi hỏi các nền kinh tế thế giới phải đoàn kết và hợp tác hơn nhiều. Đầu tuần này, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã nhân dịp xuất hiện tại Davos, thông báo việc hoàn tất thỏa thuận TPP mà không có Hoa Kỳ. Tuy nhiên, ông Trump tuyên bố chính quyền của ông sẽ cân nhắc việc thương lượng các thỏa thuận thương mại ở vùng Thái Bình Dương "hoặc là riêng rẽ với từng nước, hoặc có thể là một số nước, nếu các thỏa thuận đó phục vụ các lợi ích của tất cả các bên".
Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi nói CPTPP hay TPP-11 sẽ là "động lực vượt qua chủ nghĩa bảo hộ" đang nổi lên ở một số nơi trên thế giới. CPTPP, đầy đủ là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, đã thay thế Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ông nói rằng Nhật Bản sẽ giải thích tầm quan trọng của thỏa thuận này với Washington với hy vọng có thể thuyết phục Hoa Kỳ tham gia trở lại.
Thủ tướng Úc Malcom Turnbull nói vào tuần trước rằng thỏa thuận mới vẫn sẽ vẫn mở cửa chào đón sự tái gia nhập của Hoa Kỳ. Kể từ khi Hoa Kỳ rút khỏi TPP, Nhật Bản thay thế vai trò dẫn dắt thúc đẩy các bên đạt đến thỏa thuận.
Đây cũng là một chiến thắng cho chính phủ của ông Shinzo Abe, người cho rằng hiệp định này sẽ thúc đẩy phát triển và cải cách cho Nhật Bản. Ông Abe cũng cho rằng CPTPP là biểu tượng của sự cam kết cho một thị trường thương mại tự do và đa phương trong bối cảnh Tổng thống Trump ưu tiên chính sách "Nước Mỹ trên hết".