Thứ Tư | 04/04/2012 07:40

Diễn đàn Bác Ngao: Toàn cầu hóa đang bị hợp tác khu vực gạt ra rìa

“Diễn đàn kinh tế Châu Á Bác Ngao” đã khai mạc ngày 2/4/2012 tại Hải Nam Trung Quốc với chủ đề “Châu Á trong thế giới đang biến đổi: tiến tới phát triển lành mạnh và bền vững”. Tuy nhiên, dư luận cho rằng chủ đề “Hợp tác khu vực hóa đang gạt toàn cầu hóa ra rìa” và tiến trình toàn cầu hóa hiện đang chững lại. Đây là mối đe dọa đối với hợp tác toàn cầu hóa.


Diễn đàn Bác Ngao năm nay có 6 nhà lãnh đạo nước Châu Á và khoảng 2.200 đại biểu đại diện cho giới công thương, chủ doanh nghiệp, giới ngân hàng tiền tệ, chuyên gia và phóng viên các nước tham dự. Với chủ đề chính “Châu Á trong thế giới đang biến đổi: tiến tới phát triển lành mạnh và bền vững” quán xuyến suốt thời gian hội họp, Diễn đàn tổ chức 45 cuộc thảo luận và tham luận, trong đó chủ đề “Tiến trình toàn cầu hóa đang bị thụt lùi và bị gạt ra rìa” là một điểm mới nên được thảo luận sôi nổi nhất.

Sở dĩ chủ đề này được thảo luận sôi nổi vì trong bối cảnh “Vòng đàm phán Doha” bị hoãn lại tới nay vẫn chưa có hy vọng, trong khi đó cuộc khủng hoảng tiền tệ tín dụng ở Mỹ năm 2008 và cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu hiện nay đã bao trùm lên kinh tế thế giới. Bởi vậy, các nước vì lợi ích thiết thân của mình đã áp dụng một loạt biện pháp chính sách bảo hộ mậu dịch. Hơp tác khu vực nổi lên giữa các nước có chung lợi ích. Thời gian qua, một loạt các Hiệp định mậu dịch tự do (FTA) được ký kết thay thế tiến trình toàn cầu hóa.

Rõ ràng, Châu Á trong thế giới đang biến đổi có nhiều bất lợi cho tăng trưởng kinh tế, nên phải có biện pháp ứng phó để đảm bảo phát triển lành mạnh và bền vững trong khi “Tiến trình Toàn cầu hóa đang bị thụt lùi và gạt ra rìa”. Ngay trong Diễn đàn Bác Ngao họp tháng 4/2003, Trưởng phái đoàn đại diện thương mại Mỹ khi đó là bà Charlene Barshefsky đã cho rằng Hợp tác mậu dịch khu vực là chủ đạo thay thế cho xu thế toàn cầu hóa, biểu hiện rõ nét nhất là các nước đã thực hiện một loạt các biện pháp chính sách bảo hộ mậu dịch.

Cơ quan cảnh bảo mậu dịch toàn cầu (GTA) thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách kinh tế của Anh cũng cảnh báo: Từ Hội nghị thượng đỉnh G20 đầu tiên họp ở Mỹ 11/2008 tới Hội nghị thượng đỉnh G20 tháng 12/2009, tổng cộng tới 297 biện pháp chính sách bảo hộ mậu dịch do các nước đưa ra. Từ tháng 9/2009 tới tháng 12/2009 các nước ban hành tới 105 biện pháp bảo hộ mậu dịch trong khi chỉ có 12 biện pháp thực hiện tự do hóa mậu dịch. Những gói kích cầu của các nước bơm ra thị trường chủ yếu phục vụ cho xí nghiệp và người trong nước, còn hàng hóa và nhân viên nước ngoài bị tẩy chay và sa thải.

Bởi vậy, một câu hỏi được đại biểu nhiều nước đưa ra trong Diễn đàn lần này là “Tiếp tục toàn cầu hóa hay bãi bỏ toàn cầu hóa “, bởi vì toàn cầu hóa hiện nay không còn ý nghĩa như trước đây. Trung Quốc là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ tiến trình toàn cầu hóa, vì vậy các đại biểu Trung Quốc đều cho rằng “ việc gạt tiến trình toàn cầu hóa ra rìa” là nguy hiểm.

Bà Lư Anh Đức, CEO của Pepsi-cola ở Trung Quốc cho rằng nếu gạt toàn cầu hóa ra rìa là rất nguy hiểm. Trên thực tế nhiều nước đều được hưởng lợi từ toàn cầu hóa như sản phẩm công nghệ thông tin, mô thức quản lý chung tiên tiến toàn cầu, các tiêu chuẩn hóa chung toàn cầu.

Hiện nay, các vấn đề toàn cầu như năng lượng sạch, môi trường, kinh tế xanh, lương thực, nguồn nước...cần thiết phải có biện pháp giải quyết toàn cầu chứ một nước đơn lẻ hoặc một khu vực không thể giải quyết nổi.

Các đại biểu Trung Quốc cho biết năm 2008 dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc chỉ có 286 tỉ USD, nhưng do được lợi từ tiến trình toàn hóa nên dự trữ ngoại tệ hiện nay lên tới trên 3.200 tỉ USD. Năm 2007, xuất khẩu của Trung Quốc chiếm tới 8,8% GDP.

Nhưng từ khi tiến trình toàn cầu hóa bị chững lại, nhất là sau cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Mỹ và cuộc khủng hoảng nợ công của Châu Âu xảy ra, kinh tế Trung Quốc bị tác động rõ rệt, như tới Quí 3/2012 tỉ trọng xuất khẩu chiếm trong GDP của  Trung Quốc giảm tới 6,6% và hiện chỉ chiếm 2,2% GDP, tốc độ tăng trưởng GDP Quí 2/2007 là 14,9%, nhưng Quí 3/2011 chỉ có 9,1%, dự kiến năm 2012 chỉ đạt từ 7,4% tới 8,5%.

Chủ tịch Tập đoàn Lợi Phong Hồng Kông, Phùng Quốc Kinh, Chủ tịch Tập đoàn KPMG  Michael Andrew cho rằng sở dĩ tình trạng nhiều nước gạt tiến trình toàn cầu hóa ra rìa là do họ bị tác động tiêu cực của khủng hoảng tiền tệ tài chính và khủng hoảng nợ công Châu Âu, nên họ chỉ quan tâm tới lợi ích riêng của mình, điều này làm cho

Vòng đàm phán Doha ngày càng rơi vào bế tắc làm cho xu thế toàn cầu hóa hiện đang bị chìm đi, thay vào đó là phát triển hợp tác khu vực hóa giữa các nước.

Trong diễn văn chúc mừng, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói Diễn đàn Bác Ngao là của Châu Á, nên trao đổi và thúc đẩy nội lực của khối là quan trọng hàng đầu, nhưng cũng cần phải mở cửa với thế giới bên ngoài, đồng thời tích cực tham gia vào các giải pháp toàn cầu.

Dư luận ở Diễn đàn Bác Ngao đều lo ngại nếu Tiến trình toàn cầu hóa bị gạt ra ngoài thì Kinh tế thế giới có nguy cơ rơi vào vòng luẩn quẩn thời gian tới.

Diễn đàn Bác Ngao được 25 nước Châu Á và Ôxtraylia khởi xướng vào tháng tháng 2/2001 tại Thị trấn Bác Ngao, thành phố Quỳnh Hải tỉnh Hải Nam. Mục đích lúc đầu của Diễn đàn này muốn làm đối trọng với Diễn đàn kinh tế thế giới Davos, nhưng cho tới nay, sự tham dự của các nước giảm dần và ngày càng trở nên tẻ nhạt, như năm nay chỉ có 6 quan chức lãnh đạo cấp nhà nước tham gia.

Nguồn http://tamnhin.net


Sự kiện