Điểm lại chương trình nới lỏng của các ngân hàng trung ương
Tại Mỹ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thực hiện chương trình nới lỏng định lượng lần 3 (QE3) với việc mua 85 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng để duy trì lãi suất thấp. Fed cho biết có thể thay đổi quy mô chương trình này phụ thuộc vào sự cải thiện của thị trường việc làm.
Fed duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục gần bằng không từ tháng 12/2008 và cam kết giữ mức lãi suất thấp cho đến khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 6,5% từ 7,7% hiện nay.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi trong cuộc họp ngày 4/4 tiếp tục chương trình nới lỏng tiền tệ và xem xét có thể mở rộng chương trình này nhằm vực dậy nền kinh tế yếu kém của khu vực. Các quan chức ECB tiếp tục duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục 0,75%.
Trước đó, ECB cung cấp hơn 1 nghìn tỷ euro (1,3 nghìn tỷ USD) các khoản vay với lãi suất thấp trong vòng 3 năm cho các ngân hàng.
Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) thông báo một kế hoạch mua trái phiếu chính phủ từ các tổ chức tài chính vào mùa hè này và hy vọng các ngân hàng tăng sử dụng tiền mặt cho các doanh nghiệp và hộ gia đình vay vốn. Hiện nay BOE vẫn giữ lãi suất thấp kỷ lục 0,5% từ năm 2009.
Về phía Ngân hàng Trung ương Australia (RBA), trong tháng 12/2012, ngân hàng này cắt giảm lãi suất chuẩn 0,25 điểm phần trăm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra cách đây 5 năm. Quyết định cắt giảm lãi suất xuống 3% là lần cắt giảm thứ tư trong năm 2012 của RBA.
Nguồn AP/Dân Việt