Thứ Năm | 06/11/2014 16:46

Dịch vụ taxi Uber lại "làm mưa làm gió" ở Philippines

Các cơ quan quản lý Philippines đang tranh cãi nhau về tính hợp pháp của hoạt động kinh doanh của Uber tại đây.

 Tuần qua, chính quyền Philippines tuyên bố dịch vụ đi nhờ xe Uber tại đây hoạt động tương tự xe dù (xe không đăng ký) bất hợp pháp. Từ đây dấy lên những tranh cãi về tính pháp lý của hoạt động kinh doanh của Uber không chỉ trong giới kinh doanh và người sử dụng, mà cả giữa các cơ quan quản lý của Philippines.

Ban quy chế và nhượng quyền giao thông đường bộ Philippines (LTFRB) vừa bắt tài xế một chiếc Toyota Fortuner đã cho đi nhờ xe có tính tiền theo dịch vụ Uber (dịch vụ chia sẻ phương tiện đi lại, sử dụng ứng dụng đi động kết nối các tài xế và khách hàng). Tài xế bị thu giấy phép lái xe còn xe thì bị giữ lại với lý do vi phạm quy định nhượng quyền, với mức phạt có thể lên đến 200.000 peso.

Đây là hành động LTFRB đáp ứng những khiếu nại của Hiệp hội Taxi Philippines cho rằng sự phát triển của Uber khiến công việc của hiệp hội trở nên vô hiệu, rằng dịch vụ Uber ảnh hưởng đến người có nhu cầu đi lại, và cần phải có quy định cấm hoạt động của Uber, theo Inquier.net.

Trong khi đó, Cơ quan phát triển đô thị Manila (MMDA) lại cho rằng Uber không phải là bất hợp pháp. MMDA cho rằng ở vị trí là một dạng dịch vụ chia sẽ phương tiện đi lại, đây chính là một phương cách giải quyết vấn đề về giao thông công cộng một cách an toàn và thuận tiện hơn, trong bối cảnh giao thông công cộng ở đây còn chưa đáng tin cậy.

Chủ tịch MMDA Francis Tolentino cho rằng chính quyền không nên chặn dịch vụ Uber, vì dịch vụ này thậm chí còn tốt hơn những chiếc taxi cũ nát vẫn chạy vòng quanh đón khách cùng với nạn chỉnh đồng hồ để ăn gian cước taxi hiện nay (xe của dịch vụ Uber bao gồm Fortuner, Montero, Camry, Hummers, cả BMW, Mercedes Benz mà người dùng rất ưa thích). Nghĩa là, Uber chính là một nhân tố cạnh tranh mới giúp điều chỉnh thị trường vận chuyển tốt hơn, đáng tin cậy hơn.

“Sức mạnh của luật pháp và các phương tiện kỹ thuật hay điều hành của chính quyền không thôi là chưa đủ để giải quyết những vấn đề như gian lận của taxi hay các hoạt động bất hợp pháp khác, do người tiêu dùng thiếu những chọn lựa khác thay thế. Uber hay những dịch vụ đi nhờ xe khác chính là một giải pháp như vậy để tăng tính cạnh tranh nhằm cải thiện an toàn và thuận tiện hơn trong các dịch vụ vận chuyển, phục vụ quyền và lợi ích đi lại của người dân, nhất là vào mùa lễ hội Yuletide sắp đến”, ông Tolentino thêm.

Còn Sở Giao thông và Truyền thông (DOTC) của Philippines tuần qua cũng yêu cầu LTFRB hợp tác với hãng cung cấp dịch vụ vận chuyển Uber để tìm cách giúp họ tránh bị gọi là “nhà điều hành xe dù”, theo Philippines Star.

Đọc toàn bài trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn