Địa lý chứ không phải kinh tế mới là yếu tố giúp ổn định Trung Quốc
Cùng với đường tàu điện ngầm trị giá 1,4 tỷ USD và các tòa tháp chọc trời liên tục mọc lên tại thành phố cố đô 3.000 năm tuổi, có thể thấy rằng đầu tư vào tài sản cố định vẫn là hướng đi chính cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc - xu hướng này đã kéo dài suốt ba thập kỷ qua và sẽ còn tiếp diễn trong nhiều thập kỷ tới.
Trong tất cả các cuộc thảo luận về tái cân bằng kinh tế nhằm bảo vệ Trung Quốc tránh khỏi những nguy cơ bên trong và bên ngoài, định hướng thực sự trong ngắn hạn đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chính là yếu tố địa lý - tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu vực phía Tây.
Học giả hàng đầu về mô hình phát triển kinh tế Trung Quốc, ông Zhang Wei Wei cho biết: "Trước hết, chính phủ Trung Quốc cho triển khai thí điểm ở khắp mọi nơi. Một số điểm tốt xuất hiện và những điểm tốt nhất được chính quyền trung ương giữ lại và khuyến khích những khu vực khác học tập theo."
Theo nghiên cứu của ông Zhang, sự trỗi dậy của Trung Quốc phụ thuộc phần lớn vào nỗ lực có ý thức của Bắc Kinh trong việc hoàn thiện mô hình phát triển đô thị, giảm bớt đói nghèo tại nông thôn và nâng cao quyền lực tại chính quyền trung ương.
Điều đó ngụ ý rằng việc đầu tư vào tài sản cố định trên quy mô lớn trong thập kỷ qua đã giúp Trung Quốc tích lũy được khối tài sản dự trữ lên tới 3,3 nghìn tỷ USD và trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, đồng thời là nước xuất khẩu lớn nhất và là động lực quan trọng đối với tăng trưởng toàn cầu.
Thực vậy, việc đô thị hóa theo chiều sâu là cách duy nhất giúp Tây An và hàng chục thành phố khác đạt được tốc độ phát triển nhanh chóng. Nhờ sự phát triển này, Bắc Kinh có thể thực hiện tốt cam kết nâng cao thu nhập người nghèo và đạt được ổn định xã hội.
Kể từ khi được ra mắt năm 2000, chiến lược phát triển "về phía Tây" đã thu hút được nguồn vốn đầu tư khổng lồ 325 tỷ USD cho Trung Quốc. Đó cũng là minh chứng điển hình cho mô hình hành động đồng thời là bằng chứng tiêu biểu nhất về sự bền vững của kinh tế của Trung Quốc đối với các nhà đầu tư dài hạn.
Tổng giám đốc công ty Applied Materials tại Tây An nhận xét: "Đó là một mục tiêu chiến lược có chủ đích. Chính sách "về phía Tây" của Bắc Kinh đã mang đến một nền tảng vững chắc về cơ sở hạ tầng, giúp Tây An có thể đón nhận nhiều cơ hội hơn trong 10 năm tiếp theo."
Tuy nhiên, việc Trung Quốc duy trì đầu tư bất chấp những nguy cơ ngày một gia tăng về sự mất ổn định của nền kinh tế trong nước khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) không khỏi lo ngại.
Đại diện IMF tại Trung Quốc, ông Murtaza Syed nhận định: "Chúng tôi lo ngại chính phủ Trung Quốc đang tiếp tục đầu tư quá mức trong khi nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu suy yếu trong khoảng 4 đến 5 năm tới."
Từ trước tới nay, chưa một nền kinh tế nào có quy mô tương đương với Trung Quốc có thể duy trì tốc độ đầu tư trong một khoảng thời gian dài như vậy. Dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng thế giới (WB) cho thấy tổng chi phí đầu tư của Trung Quốc đã tăng từ 36,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên 45,4%. IMF dự báo rằng tỷ lệ này sẽ duy trì ở mức 45% GDP trong vòng 5 năm tới.
"Điều khiến chúng tôi quan tâm là số tiền đầu tư này sẽ được sử dụng như thế nào. Liệu nó được chi tiêu vào thị trường toàn cầu, hay thị trường trong nước, hay thậm chí dẫn tới các khoản nợ xấu?" ông Syed nói.
Đó là lý do vì sao Trung Quốc cho cắt giảm đầu tư vào bất động sản sau khi Bắc Kinh bơm 4.000 tỷ nhân dân tệ (635 tỷ USD) để kích thích tài chính trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 đã tạo nên một làn sóng phát triển điên cuồng trong lĩnh vực bất động sản.
Đó là một bài học cho thấy chi tiêu vào tài sản cố định có thể đi chệch hướng. Để tránh không lặp lại sai lầm đó, Trung Quốc phải chấp nhận việc tăng trưởng kinh tế về ngắn hạn có thể bị chậm lại.
Nguồn Reuters, CNBC/DVT