Thứ Hai | 23/03/2015 09:24

Di sản của Lý Quang Diệu

Dưới sự điều hành của Lý Quang Diệu, Singapore đã trở thành một câu chuyện thành công cho cả thế giới hiện đại.

Dưới sự điều hành của Lý Quang Diệu, Singapore đã trở thành một câu chuyện thành công cho cả thế giới hiện đại.

Khi các sử gia bàn về sự trỗi dậy của châu Á, chắc chắn họ sẽ tập trung vào các nền kinh tế lớn nhất khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ. Tuy nhiên, nếu nói về “chủ nghĩa tư bản châu Á”, về người đã nhen nhóm lên nó thì đó chính là người sáng lập nên Singapore – Lý Quang Diệu.

Một điều dường như không thể phủ nhận được đó là những thành tựu mà Lý Quang Diệu mang lại cho Singapore thực sự là một phép nhiệm màu kinh tế. Thành công này cùng với nhân cách của Lý Quang Diệu có thể nói đã ảnh hưởng không nhỏ đến các quốc gia khác trong khu vực.

Giữa những năm 1960 – 2011, GDP bình quân đầu người của Singapore  đã tăng hơn 100 lần và hiện đã vượt 55.000 USD. Năm 1959 khi Lý Quang Diệu nhậm chức Thủ tướng, Singapore chỉ có gần 2 triệu dân, nhưng nay đã lên 6 triệu người. Năm 1960, GDP của Singapore chỉ dưới 1 tỷ USD, đến năm 2014 đã gần 300 tỷ USD.

Singapore trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhất thế giới, một quốc đảo trong sạch thực sự với các định chế mạnh và thị trường mở ngay trong khu vực vẫn nặng nề quan liêu, tham nhũng.

Tầm nhìn và tài năng kiệt xuất của ông Lý Quang Diệu thể hiện ở việc quyết định đưa Singapore – một quốc gia không tài nguyên tự lực cánh sinh đi lên sau khi bị gạt khỏi Liên bang Malaysia năm 1965, theo mô hình Nhật Bản và phương Tây.

Cùng với các con hổ châu Á khác, Singapore tập trung vào các nền  tảng kinh tế như khuyến khích tiết kiệm, đầu tư, giữ lạm phát ổn định, thuế suất thấp, tiền tệ ổn định và chú trọng giáo dục chất lượng cao.

Và điều quan trọng là Lý Quang Diệu không coi những lựa chọn chính sách của mình là vấn đề hệ tư tưởng, ông chỉ muốn nói cách kiểm nghiệm duy nhất một sáng kiến là áp dụng nó vào thực thế. Nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã có quan điểm tương tự khi đưa ra chương trình cải cách thị trường trong nước hay có thể nói Lý Quang Diệu đã tạo cảm hứng cho cuộc cách mạng của Đặng Tiểu Bình.

Về chính trị xã hội, ông cho rằng, trong một xã hội có trật tự thì tầng lớp quan chức phải có kỷ cương, quần chúng hợp tác.

Ông Lý Quang Diệu chọn tiếng Anh là ngôn ngữ công sở và ngôn ngữ chung cho các chủng tộc khác nhau, trong khi vẫn công nhận tiếng Malaysia, tiếng Hoa và tiếng Tamil là ngôn ngữ chính thức. Hầu hết trường học sử dụng tiếng Anh, mặc dù tiếng mẹ đẻ vẫn được giảng dạy.

Trong thời gian cầm quyền, ông Lý tiến hành các chính sách đổi mới đô thị và xây dựng nhà ở công cộng mới, giao quyền hạn lớn hơn cho phụ nữ, cải cách giáo dục và công nghiệp hóa.

Những chi tiết rất nhỏ song cũng có thể coi là một thành tựu xã hội mà Singapore duy trì đến ngày nay như cấm bán kẹo cao su, một phần nhằm giữ hè phố luôn sạch sẽ, hay như cấm sách báo khiêu dâm mặc dù Singapore đã hợp pháp hóa ngành công nghiệp sex.

Nguồn DVO/Bloomberg, Reuters, Huffington Post