Đi qua 7 nước, tàu hàng Trung Quốc đầu tiên đến London
Đây là một phần trong kế hoạch phát triển quan hệ mậu dịch và đầu tư giữa Trung Quốc và các nước châu Âu.
Theo BBC, chuyến tàu xuất phát từ thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang thuộc khu vực bờ biển phía Đông Trung Quốc. Chuyến tàu đã đi quãng đường 7.500 dặm tương đương 12.000 kilomet, đi qua 7 quốc gia sau đó đến điểm chứa hàng ở thị trấn Barking, ngoại ô thủ đô London, Anh. Chuyến tàu lần này chở theo 34 container quần áo và hàng hóa cao cấp.
Trước khi vận hành chuyến tàu đến London, công ty đường sắt Trung Quốc China Railway đã vận hành các chuyến tàu từ Trung Quốc đến nhiều thành phố châu Âu khác bao gồm Madrid - Tây Ban Nha và Hamburg - Đức. Chuyến tàu đã đi qua Kazakhstan, Nga, Belarus, Phần Lan, Đức, Bỉ và Pháp và sau đó đến London – Anh.
Trung Quốc đang tăng cường các kết nối với châu Âu nhằm triển khai chiến lược được thông báo rộng rãi từ năm 2013 về mục tiêu phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với châu Âu. Đó là một phần trong lộ trình thương mại của Con đường Tơ lụa (Silk Road) từng rất nổi tiếng trong quá khứ.
Theo lý giải của công ty vận hành tuyến đường sắt, việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt theo lộ trình như hiện tại dù chậm hơn so với đường hàng không nhưng nhanh và hiệu quả hơn đường biển. Nếu lượng hàng hóa tương tự được vận chuyển bằng đường biển, thời gian sẽ kéo dài thêm 2 tuần nữa, theo tính toán của Yiwu Timex Industrial Investments.
Từ thành phố Nghĩa Ô, Triết Giang, Trung Quốc với 44 container hành lý, quần áo, đồ gia dụng đi đến London, 10 container đã được giỡ xuống tại thành phố Duisburg, Đức. London là thành phố thứ 15 tại châu Âu tham gia vào hệ thống tuyến đường sắt mở rộng từ Trung Quốc. Năm ngoái, 1.702 chuyến tàu từ Trung Quốc đã đến London, con số này cao gấp đôi so với số lượng các chuyến tàu chuyên chở của cả năm 2015.
Nhiều thế kỷ trước, tuyến đường thương mại nối thành phố Tây An, thành phố tỉnh lị tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc (điểm kết thúc phía Đông của Con đường Tơ lụa nổi tiếng) đã giúp mang đến tuyến kết nối thương mại quan trọng giữa Trung Quốc và nhiều thành phố quan trọng của châu Âu như Istanbul hay Venice.
Bước sang thế kỷ 21, Trung Quốc đã trở thành nhà xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 2,28 nghìn tỷ USD. Trung Quốc đang đối diện với vấn đề ô nhiễm, dù vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt không được coi là “xanh” như vận chuyển bằng đường biển, nhưng lại đỡ gây ô nhiễm môi trường hơn vận chuyển đường hàng không.
Tính toán của công ty vận chuyển Thụy Điển Greencarrier cho thấy với mỗi container 40ft (12m) chở 20 tấn hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt, lượng khí thải CO2 chỉ tương đương 4% nếu so với vận chuyển đường hàng không.
Nguồn VnEconomy