Thứ Ba | 10/09/2013 21:24

Đến lượt Pháp ra điều kiện không tấn công Syria

3 điều kiện Pháp đưa ra liên quan tới quản lý và giải giáp vũ khí, phá hủy kho vũ khí của Syria, xử lý kẻ gây vụ tấn công hóa học.


Tương tự như Mỹ, Pháp có phần đón nhận đề xuất của nước Nga nhằm mở đường tìm một giải pháp chính trị và ngoại giao cho vấn đề Syria. Tuy nhiên, Pháp quốc gia có quan điểm mạnh mẽ nhất ở châu Âu đối với Syria đã nêu ra 3 điều kiện để chấp nhận đề xuất của Nga.
Pháp, dù là quốc gia lớn tiếng nhất tại châu Âu trong việc trừng phạt Syria, nhưng họ cũng không dại gì hành động một mình mà phải chờ đợi và dò ý của Mỹ. Tổng thống Pháp Hollande từng cam kết với người dân rằng nước Pháp sẽ không hành động một mình và không đưa quân đánh bộ vào Syria. Đó cũng là lý do vì sao Pháp phải chần chừ chờ kết quả bỏ phiếu của Quốc hội Mỹ, rồi tiến hành điện đàm liên tục với Tổng thống Mỹ.

Lần này, sau khi Nga đưa ra đề xuất mới về vấn đề Syria và Mỹ lên tiếng hoan nghênh đề xuất của Nga thì đương nhiên nước Pháp sẽ có thái độ tương tự.

Bộ trưởng ngoại giao Pháp ngày 9/9 khẳng định trên kênh truyền hình Châu Âu 1 rằng, nước Pháp chắc chắn sẽ tham gia vào các cuộc thảo luận của Mỹ với phía Nga trong việc giải giáp vũ khí hóa học của Syria.

Trước thái độ này của Pháp, báo chí Pháp và châu Âu liên tục giật tít "nguy cơ tấn công Syria đang ngày càng lùi xa". Tuy nhiên, cũng phải hiểu sau khi đã rất căng thẳng, thì nước Pháp sẽ không thể dịu giọng rất nhanh được.

Sáng 10/9, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius vẫn khẳng định: " Syria có hơn 1000 tấn vũ khí hóa học rất khó định vị và phá hủy".

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp cũng nêu 3 điều kiện của nước Pháp đối với đề xuất của Nga, đó là : các cam kết về quản lý và giải giáp vũ khí phải mang tính cưỡng chế, kho vũ khí của Syria phải bị phá hủy và những kẻ gây vụ tấn công hóa học ngày 21/8 phải bị đưa ra xử tại Tòa án hình sự quốc tế.

Thêm vào đó, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp khẳng định thái độ cứng rắn của Pháp và Mỹ đã phát huy tác dụng và cho rằng, nước Nga cũng phải thận trọng khi các bằng chứng về tàn sát hóa học tại Syria ngày càng hiển hiện.

Rõ ràng thái độ của nước Pháp dù có phần dè dặt hơn nhưng vẫn kiên quyết cho rằng chính phủ Syria có sử dụng vũ khí hóa học và sẽ bị trừng phạt theo cách này hay cách khác.

Còn về tờ báo của Đức có tên "Báo ảnh chủ nhật" dẫn nguồn tin tình báo, cho rằng Tổng thống Bashar al-Assad không dính líu một cách cá nhân, nghĩa là không trực tiếp ra lệnh tấn công vũ khí hóa học hôm 21/8.

Chứng cứ mà tờ báo này nêu ra là các cuộc điện đàm nội bộ Syria do tàu tình báo quân sự của Đức ở gần bờ biển Syria thu thập được. Thông tin này chưa được kiểm chứng và báo chí Pháp cũng chưa nhắc đến nhiều, và thực ra cũng chưa quan trọng hiện nay bởi nó chỉ đề cập đến trách nhiệm cá nhân của ông Assad chứ không có nghĩa là chính quyền của ông không liên quan đến vụ tấn công, nếu có.

Điều các nước quan tâm nhất là có hay không tấn công quân sự Syria. Còn trách nhiệm của ai trong cuộc tấn công hôm 21/8 (nếu có xảy ra) sẽ được xem xét sau.

Nguồn VOV News


Sự kiện