Thứ Hai | 14/07/2014 20:05

Đếm ngược trước giờ thành lập ngân hàng chung của khối BRICS

Quyết định thành lập ngân hàng phát triển chung của các nền kinh tế mới nổi BRICS sẽ được thông qua tại Hội nghị thượng định diễn ra trong 2 ngày tới.
Các quốc gia mới nổi BRICS (Brasil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã thống nhất sẽ thành lập ngân hàng phát triển chung của khối vào Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 6 của khối sẽ diễn ra từ 15 - 16/7 tại Fortaleza (Brazil).

Vào thứ 4 tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Nga, ông Anton Silouanov đã tuyên bố rằng, những điểm không đồng thuận chính đã được giải quyết và các nhà lãnh đạo khối BRICS sẽ "ký tắt" hiệp định thành lập ngân hàng chung với nguồn quỹ 100 tỷ USD tài trợ cho cơ sở hạ tầng.

Phương tiện truyền thông nước Nga dẫn lời ông Anton Silouanov cho biết: "Cần phải đưa những bổ sung về pháp luật, bao gồm những điều luật về ngân sách, về việc phê chuẩn các quyết định. Điều đó sẽ cần có thời gian để thực hiện và nếu hoàn tất vào năm 2015, chúng tôi sẽ công bố các quy định đó vào năm 2016".

Những nỗ lực thành lập ngân hàng cũng như nguồn quỹ dự trữ đã bắt đầu được đàm phán cách đây 2 năm. Tuy nhiên kể từ đó, các cuộc đối thoại đã vấp phải khó khăn và hội nghị thượng đỉnh vào tháng 3 năm ngoái tại Nam Phi đã kết thúc bằng những đàm phán không đem đến kết quả.

Theo giải thích của ông Silouanov, mỗi quốc gia thành viên BRICS sẽ đóng góp 2 tỷ USD trong vòng 7 năm bắt đầu từ năm nay, để xây dựng nguồn vốn trị giá 10 tỷ USD. Số vốn trên là tương đối khiêm tốn so với tham vọng ban đầu, nhưng trong tương lai số vốn tiềm năng của ngân hàng chung có thể đạt 100 tỷ USD.

Trụ sở chính của ngân hàng sẽ được đặt ở Thượng Hải (Trung Quốc) hoặc New Delhi (Ấn Độ). Tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới, vị trí giám đốc đầu tiên của ngân hàng cũng sẽ được công bố với nhiệm kỳ hoạt động kéo dài 5 năm.

Bộ trưởng Tài chính Nga cũng chỉ rõ ngân hàng sẽ tập trung vào các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng. Đồng thời, có thể mở rộng cho các thành viên khác thuộc Liên Hợp Quốc tham gia nhưng phần vốn đóng góp của 5 quốc gia BRICS vẫn phải trên 55%.

Bên cạnh ngân hàng chung trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh lần này, khối BRICS dự kiến sẽ thành lập quỹ dự trữ ngoại hối chung với giá trị 100 tỷ USD để ổn định thị trường tiền tệ. Trung Quốc sẽ quốc gia đóng góp nhiều nhất với 41 tỷ USD; Brazil, Ấn Độ và Nga đều đóng góp 18 tỷ USD và Nam Phi đóng góp 5 tỷ USD.

Nguồn Theo DVO


Sự kiện