Thứ Hai | 14/10/2013 06:29
Sau thất bại đàm phán giữa Hạ viện và Nhà Trắng, mọi con mắt đang hướng về Thượng viện, nơi được hy vọng tìm ra một đồng thuận giúp Mỹ tránh khỏi lần vỡ nợ đầu tiên trong lịch sử.
Reuters đưa tin, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thương viện, Harry Reid hôm qua 13/10 cho biết đã bước vào cuộc đàm phán với nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa, Mitch McConnell và "tin tưởng" về việc sẽ giải quyết được khủng hoảng ngân sách.
Phát biểu tại Thượng viện, ông Harry Reid khẳng định: "Tôi tin tưởng rằng, đảng Cộng hòa sẽ chấp thuận mở cửa chính phủ và mở rộng khả năng chi trả của quốc gia cho các hóa đơn. Và tôi sẽ làm mọi thứ có thể trong suốt cả ngày để thực hiện được điều đó".
Bắt đầu đóng cửa từ ngày 1/10, tính đến hôm nay 14/10, sự kiện lịch sử này đã bước sang tuần thứ 3, tuần cuối cùng trước hạn chót đối với việc nâng trần nợ. Nếu không đưa ra quyết định kịp thời, các nhà lập pháp Mỹ sẽ đẩy nền kinh tế số một thế giới lâm vào tình trạng vỡ nợ kỹ thuật cùng nhiều sóng gió trên thị trường tài chính khó tránh khỏi.
Cuối tuần hội đàm sôi động nhưng vẫn bế tắc
Vào thứ 7 tuần trước, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thương viện, Harry Reid đã gặp gỡ nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa, Mitch McConnell với những thảo luận đầu tiên được cho là "rất sơ bộ".
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Susan Collins đã trình lên một dự thảo đề nghị mở cửa trở lại các cơ quan liên bang trong 6 tháng với mức độ chi tiêu như hiện tại, đồng thời nâng trần nợ tạm thời đến ngày 31/1/2014. Đổi lại, bà Collins đưa ra yêu cầu về luật bảo hiểm y tế. Cụ thể điều kiện kèm theo là hoãn đánh thuế thiết bị y tế trong 2 năm và phần thu thuế bị mất sẽ được bù đắp bằng thay đổi trong chính sách lương hưu.
Tuy nhiên, Harry Reid đã từ chối đề nghị trên bởi 2 lý do. Trước tiên, ông không đồng ý về mức độ chi tiêu hiện tại của chính phủ. Hơn nữa, đại diện đảng Dân chủ muốn tăng trần nợ trong dài hạn chứ không phải ngắn hạn. Quyết định này để tránh cho đảng Dân chủ tiếp tục chịu những áp lực từ đảng Cộng hòa sau một vài tháng tới.
Cuộc chiến ngân sách và trần nợ công tại Mỹ bước sang tuần thứ 3 - tuần cuối cùng
trước hạn chót 17/10
Tổng thống Barack Obama cuối tuần vừa qua cũng bác bỏ biện pháp nâng trần nợ ngắn hạn (trong 6 tuần) của đảng Cộng hòa. Ngay sau đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), ông Jim Yong Kim đã ra lời cảnh báo nước Mỹ chỉ còn "5 ngày" trước thời khắc "rất nguy hiểm".
Vỡ nợ kỹ thuật
Tất cả đều đang trông chờ vào một giải pháp cho 2 vấn đề quyết định là mở cửa trở lại chính phủ và nới trần nợ công. Nhiều cơ quan liên bang đã phải đóng cửa từ 2 tuần nay, nhiều doanh nghiệp liên quan đến chính phủ cũng chuẩn bị sẵn số người lao động buộc phải sa thải. Về trần nợ, theo Bộ Tài chính Mỹ, tình hình sẽ trở nên rất căng thẳng ngay sau thứ 5 (17/10) tuần này.
Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, sau ngày 17/10 chính phủ Mỹ sẽ còn khoảng 30 tỷ USD, chỉ bằng một nửa tổng giá trị hóa đơn mà chính phủ Mỹ cần thanh toán trong 1 ngày.
Mốc thời gian 17/10 sẽ là thời khắc quyết định Mỹ có vỡ nợ hay không, nhưng chỉ là vỡ nợ kỹ thuật. Các nhà kinh tế và chuyên gia trên thị trường tài chính hiểu rõ rằng, Mỹ không thể không nâng trần nợ công và sẽ tìm cách đạt được thỏa thuận tiếp tục tài trợ các chi tiêu ngân sách.
Tuy nhiên, các ngân hàng lớn trên Phố Wall vẫn không tránh khỏi những lo ngại và ngay cả thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đến từ New York, Charles Schumer cũng lo lắng "chứng khoán sẽ đi xuống và lãi suất gia tăng" khi thị trường mở cửa vào sáng thứ 2 tuần này.