Đế chế cà phê Starbucks và tài sản trị giá 2,3 tỷ USD
Xuất thân từ một gia đình sống trong dự án nhà ở xã hội tại thành phố New York, Howard Schultz - giám đốc điều hành Starbucks, một trong những thương hiệu đáng giá nhất thế giới, nói rằng ông chưa bao giờ mơ sẽ tham gia vào kinh doanh. Schultz thậm chí còn chưa bao giờ tưởng tượng được rằng một ngày nọ ông sẽ điều hành chuỗi cửa hàng cà phê toàn cầu và có tài sản trị giá đến 2,3 tỷ USD.
Theo hồi ký “Pour Your Heart Into It” (tạm dịch: "Làm việc bằng cả trái tim"), Howard Schultz cho biết ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình gốc Do Thái tại Canarsie, Brooklyn.
Trong khi mẹ ông là bà Elaine, ở nhà chăm sóc con cái, cha ông là Fred làm rất nhiều việc nặng nhọc để chu cấp cho gia đình: lái xe tải, công nhân nhà máy và tài xế taxi.
Năm 1961, khi Schultz lên 7, cha ông gặp tai nạn bị vỡ mắt cá chân khi đang lái xe tải bốc xếp tã bỉm. Vào thời gian đó, ông Fred không có bảo hiểm y tế hay bất kỳ khoản bồi thường lao động nào, và gia đình Schultz rơi vào cảnh không còn nguồn thu nhập.
Cho đến giờ, Schultz vẫn nhớ ánh mắt của cha khi ông nằm trên giường bệnh với cái chân bị thương. Và thành công nghề nghiệp giờ đây, Schultz muốn dành tặng cha mình - ông mất 1 năm sau đó.
Ngay từ đầu, con đường nghề nghiệp của Schultz khác hẳn với cha mẹ ông. Thời trung học, ông chơi bóng bầu dục và giành được học bổng giành cho vận động viên tại Đại học Bắc Michigan, trở thành người đầu tiên trong gia đình tốt nghiệp đại học.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Schultz tìm được việc làm trong chương trình đào tạo bán hàng ở Xerox, nơi ông được tiếp xúc với phương thức bán hàng qua điện thoại và đánh máy chữ. Trong vài năm, Schultz tìm được việc tại Hammarplast, doanh nghiệp hàng gia dụng thuộc sở hữu của tập đoàn Thụy Điển mang tên Perstorp. Tại đây, Schultz leo dần lên vị trí phó chủ tịch và tổng giám đốc, phụ trách nhóm bán hàng.
Bất chấp thành công như vậy, Schultz viết rằng ông “luôn đứng ngồi không yên. Tôi luôn tự hỏi mình sẽ làm gì tiếp theo. Có lẽ đây là điểm yếu của tôi”.
Cửa hàng Starbucks đầu tiên tại Pike Place Market ở Seattle, khai trương năm 1971 với ngoại thất và logo ban đầu. |
Schultz lần đầu tiên biết đến Starbucks khi ông đang làm việc tại Hammarplast. Thương hiệu cà phê này có 4 cửa hàng tại Seattle và khiến Schultz chú ý khi Starbucks đặt hàng một số lượng lớn bất thường máy pha cà phê có hệ thống lọc nước.
Tò mò, Schultz đến Seattle để gặp 2 chủ sở hữu Starbucks là Gerald Baldwin và Gordon Bowker. Ông rất ấn tượng trước niềm đam mê và can đảm của 2 ông chủ trong việc bán loại sản phẩm chỉ dành cho những người sành cà phê.
Đầu quân cho Starbucks đồng nghĩa với việc Schultz sẽ phải lặn lội khắp cả nước và chấp nhận mức lương của mình bị giảm đi đáng kể, nhưng Schultz chắc chắn rằng đây là bước đi hoàn toàn đúng đắn. Schultz phải mất đến 1 năm để thuyết phục Baldwin tuyển dụng mình vào vị trí giám đốc marketing.
Sự nghiệp của Schultz - và số phận của Starbucks - mãi mãi thay đổi khi công ty cử ông đến triển lãm đồ gia dụng quốc tế tại Milan, Ý. Tại đây, Schultz gặp rất nhiều quán cà phê espresso đúng chất Ý, nơi chủ quán biết rõ tên khách hàng và phục vụ các loại đồ uống như cappuccino và latte.
“Đó là một khoảnh khắc mang tính giác ngộ”, Schultz viết về thời điểm ông nhận ra mối quan hệ cá nhân giữa mọi người có liên quan chặt chẽ thế nào đến việc thưởng thức cà phê. Ông tin rằng Starbucks cần phải bắt đầu phục vụ cà phê espresso theo phong cách Ý - Starbucks phải là một trải nghiệm, chứ không chỉ đơn thuần là một cửa hàng.
Tuy nhiên, suy nghĩ của Baldwin và Bowker lại hoàn toàn khác với Schultz. Năm 1985, Schultz quyết định rời bỏ Starbucks để mở công ty cà phê của riêng mình mang tên Il Giornale (tiếng Ý có nghĩa là “hàng ngày”).
Xa rời Starbucks 2 năm, Schultz dành hết công sức vào việc mở mới các cửa hàng Il Giornale, sao chép văn hóa cà phê mà ông thấy ở Ý. Il Giornale nhanh chóng được biết đến. Năm 1987, Il Giornale mua lại Starbucks và Schultz trở thành Giám đốc điều hành Công ty Starbucks.
Howard Schultz tham dự lễ khai trương Starbucks Trung Quốc năm 2006. |
Schultz luôn cam kết giữ chất lượng sản phẩm. Năm 2008, khi Starbucks gặp khó khăn về tài chính, ông tạm thời đóng cửa 7.100 cửa hàng nhằm đào tạo thêm các barista - người pha chế cà phê - để có thể pha chế cà phê espresso hoàn hảo. Hai năm sau, Schultz dẫn dắt Starbucks thay đổi hoàn toàn.
Ngày nay, thương hiệu có hơn 21.000 cửa hàng Starbucks tại 65 quốc gia và được định giá 77 tỷ USD.
“Tôi luôn luôn cảm thấy thiếu gì đó. Khi những người khác đã dừng lại nghỉ ngơi, tôi vẫn chạy, theo đuổi một điều mà không ai khác có thể thấy”, Schultz cho biết.
Hữu Thanh
theo B.I
Nguồn Business Insider