Đế chế 100 tỉ USD của Chen Feng
Cách đây hơn 20 năm, Chen Feng không ngại đẩy xe phục vụ thức uống dọc theo lối đi của chiếc Boeing 737, một trong những chiếc máy bay của Hainan Airlines - hãng hàng không do ông dẫn dắt một liên minh gồm các nhà đầu tư cá nhân và chính quyền Hải Nam, một tỉnh phía Nam Trung Quốc, cùng sáng lập vào năm 1993. Khởi nghiệp chỉ là một hãng hàng không địa phương nhỏ, nhưng ngày nay Chen Feng sở hữu một hạm đội máy bay lên tới hơn 1.250 chiếc, vận hành 1.100 tuyến bay nội địa và quốc tế, bay đến hơn 270 quốc gia và phục vụ 92 triệu hành khách mỗi năm (tính đến tháng 12.2016).
Sau cuộc tái cấu trúc hãng hàng không này vào năm 1997, Feng đã thành lập HNA Group, Co., Ltd. với vị thế là công ty mẹ của Hainan Airlines vào tháng 1.2000. Giờ HNA Group đã là một tập đoàn đa ngành tham gia vào nhiều lĩnh vực từ hàng không, bất động sản, dịch vụ tài chính cho đến du lịch, logistics với tổng giá trị tài sản hơn 100 tỉ USD. Nếu HNA niêm yết trên sàn, con số này đủ để khiến cho nó trở thành 1 trong 100 công ty phi tài chính lớn nhất thế giới, lớn hơn cả Boeing, Walt Disney hay Coca-Cola.
Để tạo dựng đế chế này, Chen Feng đã không ngừng dấn thân dù gặp nhiều rào cản. “Chen rất thông minh, can đảm và là một tay dám đặt cược vào giấc mơ của mình”, Albert Louie, nhà sáng lập hãng tư vấn A. Louie Associates, nhận xét.
Hãng hàng không nhỏ bé khi ấy dù có sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, nhưng công ty mới khởi nghiệp này khi đó vẫn bị xem là “người ngoài”. Chính quyền trung ương đã chọn ra 3 hãng hàng không lớn thuộc sở hữu nhà nước để nhận những bãi đáp ở vị trí đắc địa, các trợ cấp rất hào phóng cùng các ưu đãi, lợi thế khác. Thế nhưng, Chen Feng không hề nản chí. Năm 1995 ông bay sang New York, thuyết phục tỉ phú Mỹ George Soros đầu tư 25 triệu USD vào hãng hàng không còn non trẻ Hainan Airlines. Với số vốn ban đầu này, ông đã tự tìm cho mình một thị trường ngách sinh lời.
Ngày nay Hainan Airlines được đánh giá là hãng hàng không tốt nhất Trung Quốc, đặc biệt là hãng hàng không đầu tiên của nước này giành được xếp hạng 5 sao từ tổ chức đánh giá tín nhiệm Skytrax có trụ sở tại London và giữ được xếp hạng này trong 6 năm liên tiếp. Hainan Airlines cũng xếp thứ ba toàn cầu và xếp thứ nhất tại đại lục Trung Quốc nhờ kỷ lục không để xảy ra một sự cố máy bay nào, theo báo cáo đánh giá “Các hãng hàng không an toàn nhất thế giới” do Jet Airliner Crash Data Evaluation Center của Đức (JACDEC) công bố.
Tuy nhiên, vận tải hàng không chỉ chiếm 1/5 doanh thu của HNA (số liệu năm 2015), nhất là từ sau khi Chen Feng đưa Tập đoàn bành trướng rất nhanh sang nhiều lĩnh vực khác, chủ yếu thông qua các cuộc thâu tóm trên khắp thế giới. Năm ngoái HNA cho biết doanh thu đạt tới 600 tỉ yen (tương đương 90 tỉ USD). Năm 2016 tập đoàn này đã thâu tóm 25% cổ phần trong tập đoàn khách sạn Mỹ Hilton Worldwide với giá 6,5 tỉ USD và đã trả 10 tỉ USD mua lại bộ phận cho thuê máy bay của CIT Group, một hãng tài chính có trụ sở đặt tại New York. Cuối tháng 4.2017, HNA đã ra giá gần 1 tỉ USD để mua lại một hãng logistics của Singapore là CWT.
Hầu hết các công ty mà HNA mua lại đều hoạt động trong những lĩnh vực gần với mảng kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn như lữ hành, du lịch, logistics. Nhưng một số thương vụ mua lại gần đây đã khiến cho nhiều người phải nhướng mày vì chúng ngày càng xa rời lĩnh vực cốt lõi. Chẳng hạn, năm ngoái HNA đã bỏ ra 6 tỉ USD mua lại Ingram Micro, một công ty công nghệ thông tin có trụ sở đặt tại Mỹ. Tập đoàn cũng rót vốn vào Deutsche Bank và mới đây đã nâng sở hữu lên gần 10%, trở thành cổ đông lớn nhất của ngân hàng này. Một số người nghi ngại những thương vụ này thuận theo chính sách công nghiệp của Trung Quốc hơn là dựa trên tính logic và nhu cầu của chính HNA Group.
Tuy nhiên, HNA không phải là một doanh nghiệp sở hữu nhà nước cổ điển. Chính quyền Hải Nam vẫn còn nắm giữ cổ phần lớn trong Tập đoàn, nhưng HNA lại sở hữu những đặc điểm mà khiến nó khác biệt với các doanh nghiệp quốc doanh, vốn thường cứng nhắc và có cơ chế điều hành quan liêu.
Một trong những điểm khác biệt rõ nhất là HNA ứng dụng các phương pháp quản trị rất chuyên nghiệp vào tổ chức. Chen Feng đào tạo nhân viên theo phương pháp 6 Sigma, một phương pháp quản trị trở nên phổ biến sau khi Jack Welch áp dụng triệt để nó vào chiến lược kinh doanh ở tập đoàn Mỹ General Electric năm 1995. Feng cũng đào tạo nhân viên theo một phương pháp luận tài chính theo hướng giám sát, nghiên cứu kỹ lưỡng các khoản đầu tư dựa trên giá trị kinh tế mà nó đem lại.
Không những thế, Chen Feng, một người say mê Phật giáo, cũng đã ghi dấu những triết lý Trung Quốc truyền thống vào văn hóa doanh nghiệp. Khi HNA tiếp quản một doanh nghiệp, Feng dẫn dắt những nhà điều hành mới trong một hành trình học hỏi những giá trị cốt lõi của HNA mà trong đó đề cao “tình yêu thương và sự cống hiến”. HNA đặc biệt không sa thải dàn quản lý cấp cao ở những công ty mà Tập đoàn thâu tóm, cũng không ép thực hiện các đợt sa thải quy mô lớn.
Ông chủ HNA Group dường như cũng là một người rất khéo léo trong vấn đề ngoại giao với giới chức trách Trung Quốc. HNA, chẳng hạn, đang trình bày thương vụ ra giá mua lại CWT như một phần trong chiến lược địa chính trị “Một vành đai, một con đường” của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông cũng rất khéo léo chơi chiêu bài chính trị xét trong bối cảnh Chính phủ Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát hoạt động đầu tư ra nước ngoài, theo đánh giá của một chuyên gia doanh nghiệp Trung Quốc. Có thể thấy, việc các cơ quan quản lý Trung Quốc thẳng tay đối với các thương vụ nước ngoài (do lo ngại dòng tiền chảy ra khỏi biên giới) đã dẫn đến kết cục hàng chục thương vụ thâu tóm được công bố bởi các doanh nghiệp Trung Quốc phải bị hủy bỏ.
Thế nhưng, HNA không gặp khó khăn trong việc huy động vốn và cũng đã giành được sự ủng hộ đối với nhiều thương vụ lớn. Tính ra, trong 3 năm qua, HNA đã chi hơn 40 tỉ USD vào các thương vụ thâu tóm. Thực vậy, Chen dường như sở hữu được những lợi thế của một công ty nhà nước, trong đó có việc tiếp cận được dòng vốn giá rẻ, mà không phải chịu những bất lợi như phải nghe theo chỉ bảo của các quan chức về cách thức điều hành doanh nghiệp, theo nhận xét của một chuyên gia kinh nghiệm về Trung Quốc. Ở khía cạnh này, vị chuyên gia cho rằng HNA đang trở nên “rất giống Huawei”, một hãng thiết bị viễn thông Trung Quốc. Chen Feng nên cảm thấy hãnh diện vì được so sánh với một trong những tập đoàn đa quốc gia thành công nhất nước. Nhưng ông cũng nên nhớ rằng chính mối quan hệ được cho là thân cận với giới cầm quyền Trung Quốc đã khiến tập đoàn này bị liệt vào danh sách đen của Chính phủ Mỹ.
Nhưng dù gặp nhiều trở ngại, Chen Feng chưa bao giờ nản chí. “Tôi muốn đưa HNA Group trở thành 1 trong 50 công ty hàng đầu thế giới vào năm 2030”, ông từng tuyên bố.
Ngô Ngọc Châu