Đây là cách tầng lớp trung lưu Trung Quốc kiếm và tiêu tiền
Trung Quốc có lực lượng lao động lớn nhất thế giới, 770,4 triệu người, nhưng tầng lớp trung lưu - thống trị thị trường tiêu dùng - lại chỉ chiếm một phần nhỏ: chưa đến 2% số công nhân kiếm đủ tiền để được nộp thuế thu nhập, theo Goldman Sachs.
Việc tạo ra ít nhất 10 triệu việc làm tại thành thị - một trong những mục tiêu được công bố tại Kỳ họp Quốc hội của Trung Quốc - sẽ chỉ tác động đến một phần nhỏ dân số, nhưng sẽ có tác động đáng kể đến quy mô tầng lớp trung lưu của nước này.
Mặc dù thị hiếu của người Trung Quốc đối với hàng xa xỉ có thể đang thu hút sự chú ý ngày một nhiều hơn, nhưng nhu cầu về hàng hóa thiết yếu chủ lực nói lên nhiều hơn về cuộc sống hàng ngày của phần lớn người dân.
Dưới đây là vài nét về cuộc sống hàng ngày của người dân Trung Quốc.
Hầu hết người Trung Quốc vẫn kiếm và tiêu tiền ít hơn nhiều so với người Mỹ
Bắc Kinh vừa qua mặt New York để trở thành "Thủ đô Tỷ phú Thế giới" và cuộc di dân ra thành phố tại Trung Quốc đang đạt tốc độ kỷ từ trước đến nay. Tuy nhiên, mức lương bình quân hàng năm của Trung Quốc chỉ đạt 56.360 nhân dân tệ (8.655 USD) trong năm 2014, và Goldman Sachs ước tính 387 triệu lao động nông thôn Trung Quốc - 1/2 lực lượng lao động - chỉ kiếm được 2.000 USD/năm.
Người tiêu dùng Trung Quốc bình quân chi tiêu 7 USD/ngày, theo Goldman Sachs. Thực phẩm và quần áo chiếm gần 1/2 chi tiêu cá nhân với 9,2% dành cho hoạt động giải trí như du lịch, ăn tiệm, thể thao và trò chơi video. Trong khi đó, người Mỹ bình quân chi tiêu 97 USD/ngày với 17,3% dành cho giải trí.
Quy mô gia đình nhỏ nhất từ trước đến nay
Có chưa đến 3 người trong một gia đình trung bình Trung Quốc, số liệu năm 2014, giảm từ 5 người trong những năm 1950. Sự mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc cũng tồi tệ nhất thế giới: tỷ lệ bé trai/bé gái là 116/100, trong khi tỷ lệ này toàn cầu bình quân là 107 bé trai/100 bé gái.
Giai đoạn từ năm 1979 đến cuối năm 2015, Trung Quốc áp dụng chính sách một con đối với hầu hết các gia đình và khiến tỷ lệ giới tính quay lại thời kỳ đầu những năm 1980. Tại Trung Quốc, hiện số nam giới nhiều hơn 33 triệu người so với nữ giới và nhiều người trong số họ có thể không bao giờ tìm được bạn đời.
Trong cơ cấu dân số độ tuổi lao động, tỷ lệ người độc thân và hộ gia đình quy mô nhỏ hơn thường có khả năng chi tiêu cao hơn cho hàng tiêu dùng không thiết yếu.
Số người đi du lịch không lớn - nhưng lại chi tiêu rất nhiều
Chỉ 4% dân số Trung Quốc có hộ chiếu, so với 35% người Mỹ - nhưng mỗi năm 4% dân số này chi gần 200 tỷ USD tại nước ngoài, cao hơn bất kỳ nước nào trên thế giới, theo Goldman Sachs.
Tầng lớp trung lưu thành thị Trung Quốc thống trị về mức chi tiêu đi du lịch và Goldman Sachs ước tính 12% dân số Trung Quốc sẽ có hộ chiếu trong một thập kỷ tới.
Tầng lớp trung lưu Trung Quốc yêu âm nhạc
Người Trung Quốc chi bình quân 86 USD/năm cho các hoạt động liên quan đến âm nhạc, trong khi tại Mỹ là 152 USD. Dịch vụ streaming (streaming hoặc media streaming là một kỹ thuật để chuyển dữ liệu để nó có thể được xử lý như một dòng ổn định và liên tục) được 66% người tiêu dùng Trung Quốc sử dụng, trong khi 75% người Mỹ nghe nhạc trực tuyến, theo Nielsen.
57% tầng lớp trung lưu Trung QUốc thích âm nhạc biểu diễn trực tiếp so với 51% người Mỹ.
Mua hàng trực tuyến đang tăng trưởng chóng mặt
Mua sắm trực tuyến tại Trung Quốc chiếm 16%, tương đương 672 tỷ USD, tổng mức chi tiêu - và 1/2 số này được thực hiện trên các thiết bị di động, theo nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường eMarketer.
Năm 2013, Trung Quốc chiếm 35% tổng mức mua sắm trực tuyến toàn cầu. Đến năm 2018, ước tính chi tiêu trực tuyến của người Trung Quốc sẽ cao hơn cả thế giới cộng lại và cứ 5 nhân dân tệ chi tiêu tại Trung Quốc thì có 1 nhân dân tệ trực tuyến.
Người Trung Quốc chi ngày một nhiều hơn cho y tế
Giai đoạn 2004-2011, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe cá nhân của Trung Quốc tăng 2 lần lên 102,25 USD/người/năm từ 51,05 USD khi người tiêu dùng ngày một khá giả hơn và các chính sách của chính phủ nâng cao nhận thức về các vấn đề y tế.
Doanh số bán các loại vitamin và dưỡng chất bùng nổ trong những năm gần đây. Kế hoạch Phát triển 5 năm lần thứ 12 của Trung Quốc, công bố năm 2011, lần đầu tiên đề cập đến ngành dinh dưỡng và thực phẩm chăm sóc sức khỏe.
Công ty nghiên cứu thị trường Mintel dự đoán doanh số bán vitamin và dưỡng chất sẽ đạt 5,3 tỷ USD vào năm 2017 - tăng 214% so với một thập kỷ trước.
Nhật Trường
Nguồn Bloomberg