Davos 2015: Chuyện trò với Jack Ma
Cách đây một vài năm, rất ít người ở bên ngoài Trung Quốc biết đến cái tên Jack Ma. Ngày nay, ông là cái tên được tìm kiếm nhiều nhất ở Davos. Người sáng lập, “bộ mặt” của tập đoàn Alibaba, “Steve Jobs của Trung Quốc”, tỷ phú giàu nhất châu Á – đó là những điều gắn liên với tên tuổi của Jack Ma.
Tập đoàn Alibaba là đế chế Internet đã gây tiếng vang lớn trong giới công nghệ toàn cầu với vụ IPO kỷ lục trên sàn chứng khoán Mỹ hồi năm ngoái. Nền tảng thương mại điện tử kết nối người tiêu dùng với người tiêu dùng Taobao được so sánh với eBay, trong khi “đại siêu thị” kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng Tmall đã vượt qua cả Amazon.
Alibaba đã mở rộng hoạt động sang cả lĩnh vực thanh toán qua di động, điện toán đám mây và cả mạng xã hội. Trên thế giới, Alibaba chỉ đứng sau Walmart về khối lượng giao dịch. Vụ IPO 25 tỷ USD mùa thu năm ngoái là vụ IPO lớn nhất trong lịch sử.
Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 45 của Diễn đàn kinh tế thế giới, ngày 23/1 vừa qua, Jack Ma đã có cuộc trò chuyện với Charlie Rose trong một cuộc đối thoại rất cởi mở. Dù cuộc trò chuyện chỉ kéo dài trong 1 giờ đồng hồ, Những câu chuyện tràn đầy cảm hứng mà Jack Ma chia sẻ khiến nhiều người mỉm cười và thán phục.
Điều khiến Ma được yêu thích ở cả Trung Quốc và trên thế giới là lòng tin mà ông xây dựng được. Ở Trung Quốc – nơi mà các mối quan hệ và khuôn phép truyền thống sẽ mang lại hiệu quả trong kinh doanh, Ma và công ty của ông đã gieo mầm cho một phương thức tiếp cận tạo nên một cuộc cách mạng trong hoạt động thương mại ở Trung Quốc.
Nhiều lần bị từ chối
Trong cuộc phỏng vấn, Rose mô tả cuộc đời của Ma là “một bằng chứng sống cho câu nói không có gì là không thể”. Giống như một vài tỷ phú bỏ dở việc học của thung lũng Silicon, Ma cho biết ông đã thi trượt đại học, trượt trong kỳ thi tuyển vào sở cảnh sát địa phương và thậm chí là người duy nhất trong 24 người nộp đơn xin việc bị KFC từ chối.
Ma chia sẻ ông đã tự học tiếng Anh bằng cách làm hướng dẫn viên miễn phí cho du khách nước ngoài tại một khách sạn ở Hàng Châu trong suốt 9 năm. “Những khách du lịch nước ngoài đã mở rộng tâm trí tôi với những thứ hoàn toàn khác biệt so với những điều tôi đã học được từ trường học và bố mẹ”. Ma đã làm giáo viên dạy tiếng Anh trước khi say mê với Internet.
Jack Ma chia sẻ Forrest Gump chính là bộ phim đã tạo cảm hứng cho ông. “Tôi rất yêu thích Forrest Gump, thích cách cậu ấy nhìn cuộc sống như một hộp socola. Cuộc sống rất đơn giản: hãy luôn tin rằng khi bạn làm gì đó, hãy yêu thích công việc ấy cho dù người khác thích hay không thích nó”.
Ông chủ của Alibaba cũng cho rằng có vẻ như giới trẻ ngày nay đang mất hi vọng, không cố gắng và chỉ than phiền.
25 tỷ USD không phải là một số tiền lớn
Trả lời câu hỏi của Charlie Rose về vụ IPO kỷ lục mùa thu năm ngoái, Jack Ma chia sẻ ông không quan tâm nhiều đến số tiền 25 tỷ USD. Điều mà ông quan tâm là làm thế nào để sử dụng số tiền ấy hiệu quả. “Đó không phải là tiền mà là lòng tin của nhà đầu tư. Điều này càng thêm tạo thêm áp lực cho Alibaba”.
Ma nói về câu chuyện khi Alibaba mới ra đời, không ai tin vào Alibaba, thậm chí ý tưởng của ông được coi là điên rồ. Trong 5 năm đầu, điều mà Jack Ma muốn chỉ là tồn tại với 3 năm không có doanh thu. Tuy nhiên, Ma chia sẻ ông vẫn cảm thấy rất tự hào và chí ít là vẫn có hi vọng khi có nhiều khách hàng của Alibaba gặp ông trong nhà hàng và trả tiền cho ông với lời nhắn nhủ: “Tôi có thể kiếm được tiền từ Alibaba, tôi biết anh chưa có được lợi nhuận vì thế tôi sẽ trả hóa đơn này cho anh”.
Kỳ vọng doanh thu của Alibaba sẽ vượt qua Walmart trong 10 năm tới, Ma cho rằng thành công cũng đi liền với trách nhiệm nặng nề khi phải đảm bảo rằng Alibaba phải đáp ứng được niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư. "Đối với thương mại điện tử, điều quan trọng nhất là lòng tin".
“Chúng tôi mới chỉ bắt đầu. Alibaba vẫn chỉ là một đứa trẻ”
Dù không có nền tảng về công nghệ, Ma đã sớm mong muốn Alibaba sẽ đánh bại những ông lớn ở thung lũng Silicon như eBay và Yahoo. Những lời này nghe có thể nực cười vào 15 năm trước, khi Alibaba mới ra đời và còn non trẻ, tuy nhiên mong ước đã trở thành sự thực.
Mỗi ngày có hơn 100 triệu người sử dụng các trang web thương mại điện tử ở Alibaba. Tập đoàn này tạo ra 14 triệu việc làm cho Trung Quốc. Mong ước của Ma là xây dựng một thứ giống như WTO nhưng là phiên bản điện tử. “Nếu chúng tôi có thể giúp một doanh nghiệp nhỏ ở Na Uy bán hàng hóa cho Argentina, và người tiêu dùng Argentina có thể mua mọi thứ từ Thụy Sĩ, chúng tôi đã xây dựng được WTO phiên bản điện tử. WTO đã làm được công việc xuất sắc trong thế kỷ vừa qua – giúp các công ty lớn buôn bán mọi hàng hóa ở nhiều quốc gia. Ngày nay, Internet có thể giúp nhiều doanh nghiệp nhỏ bán hàng hóa ở mọi quốc gia”.
Ma đưa ra ví dụ về những doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ đã rất vui mừng khi có thể bán quả cherry hay thủy sản Alaska ở Trung Quốc. Mục tiêu của Alibaba là phục vụ 2 tỷ khách hàng trên toàn cầu và giúp ích cho 10 triệu doanh nghiệp nhỏ ở bên ngoài Trung Quốc.
“So với 15 năm trước, chúng tôi đã là một gã khổng lồ. Tuy nhiên so với 15 năm nữa, Alibaba chỉ đang là một đứa trẻ. Tôi hi vọng 15 năm nữa, người ta sẽ quên đi khái niệm thương mại điện tử. Mọi người không còn hỏi câu thương mại điện tử giúp ích cho con người như thế nào, giống như điện – bây giờ không còn ai nghĩ rằng điện là một loại công nghệ cao”.
Nguồn Infonet