Đầu tư vào rượu vang: Lãi gấp bội chứng khoán
Trong thời gian gần đây, việc giá chứng khoán toàn cầu tăng trưởng mạnh đã khiến cho nhu cầu mua bán rượu vang tăng cao đáng kể. Tuy nhiên, các nhà đầu tư và quỹ mua rượu vang không phải để uống ăn mừng, mà là để tích trữ chờ lên giá và kiếm lời.
Giá của các loại rượu vang cao cấp đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2011 tới nay, do có nhiều dự đoán rằng giá chứng khoán sẽ sớm hạ sau khi đã gần chạm đỉnh. Hình thức đầu tư vào vang được xem là có tác dụng tương tự như đầu tư vào vàng: bảo vệ giá trị tài sản trong thời buổi nhiều bất định, nhất là sau sự kiện Brexit và việc ông Donald Trump được bầu làm tổng thống Mỹ.
Chỉ số Liv-ex Fine Wine 100, vốn chuyên theo dõi giá của các loại vang cao cấp, đã tăng liên tục 14 tháng qua, đà tăng dài nhất kể từ tháng 6/2010. Chỉ số này đã tăng 25% trong năm qua, vượt mức 19% của chỉ số FTSE 100 trên sàn chứng khoán London. Theo Smith, chỉ số Live-ex 100 vẫn còn dư địa tăng thêm 18% nữa trước khi quay lại mức đỉnh cũ của hồi giữa năm 2011.
Chuyên gia quản lý đầu tư Chris Smith của quỹ Wine Investment Fund (WIF) có trụ sở tại London cho biết: “Điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi, cộng với nguồn cung bị hạn chế và nhu cầu cao sẽ tiếp tục là các động lực thúc đẩy thị trường rượu vang”. Trong năm 2016, quỹ WIF đã sinh lời 17% từ các hoạt động đầu tư vào rượu vang, tăng tổng giá trị tài sản của quỹ lên 310 triệu USD. Smith nói thêm: “Nếu xét theo lịch sử thì mức giá rượu vang hiện tại vẫn khá là rẻ”.
Một nhà đầu tư 63 tuổi là Kim Carter cho biết ông đang có ý định nâng khoản vốn của mình tại WIF lên 5% tổng danh mục đầu tư. Là một nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm ở thị trường Anh và Canada, Carter cho biết: “Tôi rất thích rượu vang, nhưng tôi tham gia quỹ này là để đầu tư. Cho tới giờ thì mọi chuyện đều diễn ra cực kỳ tốt”.
Chỉ số Liv-ex 100 đã tăng cực mạnh trong thời gian gần đây, nhưng vẫn chưa quay lại đỉnh hồi giữa năm 2011. Ảnh: Bloomberg |
Việc đồng bảng Anh hạ giá sau Brexit đã khiến cho các gói hợp đồng mua bán vang trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài, vì sàn giao dịch rượu vang lớn nhất thế giới Liv-ex đặt trụ sở tại Anh và định giá rượu bằng bảng Anh. Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đã trở lại thị trường sau một thời gian dài vắng bóng. Trước đây vào năm 2010, nhiều người Trung Quốc từng mua vào quá nhiều rượu để tích trữ, để rồi chịu lỗ nặng 5 năm liền.
Trong thời gian trở lại đây, nhu cầu mua rượu vang tại Trung Quốc đã tăng mạnh, sau khi các chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay của chính phủ nước này khiến nhiều người tìm kiếm cách tích trữ tài sản. Kim ngạch nhập khẩu rượu vang của Trung Quốc đã tăng 21% trong 9 tháng đầu năm 2016, đạt 1,66 tỷ USD, theo số liệu từ Hiệp hội Xuất nhập khẩu rượu của nước này.
Dĩ nhiên, đầu tư vào rượu vang không phải là điều ai cũng nên làm, và đây là hình thức đầu tư không dễ tiếp cận vì mức độ rủi ro của nó, theo nhận định của Charles Boulton, trưởng đại diện thị trường Anh của bộ phận ngân hàng cá nhân thuộc HSBC (hiện đang quản lý 315 tỷ USD). Boulton cho biết rằng đây là dạng đầu tư chủ yếu dành cho những người đã có nhiều kinh nghiệm và am hiểu.
“Khá nhiều quỹ đầu tư vào rượu vang có quy mô nhỏ, và dễ gặp vấn đề về thanh khoản. Thời gian chờ đợi sinh lời (time horizon) là tương đối dài, và đây là dạng tài sản dễ có biến động”, Boulton nói thêm.
Một trong những bài học xương máu cho các nhà đầu tư vào vang là trường hợp của quỹ Vintage Wine Fund ở quần đảo Cayman. Quỹ này từng có lúc nắm giữ lượng tài sản 117 triệu USD vào năm 2008, để rồi phải đóng cửa vào năm 2013 sau khi kết quả kinh doanh tồi tệ khiến các nhà đầu tư phải rút vốn. Một năm sau đó, một quỹ khác là Noble Crus Wine Fund của Luxembourg cũng ngưng hoạt động. Một quỹ khác là Bordeaux Fine Wines cũng rơi vào tình trạng tương tự, và một giám đốc của quỹ này còn bị chính phủ Anh cấm vận hành doanh nghiệp sau khi dùng tiền quỹ sai mục đích.
Ở London, công ty Wine Owners chuyên giúp các nhà đầu tư xây dựng danh mục đầu tư rượu vang đã có một năm làm ăn đầy khấm khá. Theo nhà quản lý James Sowden cho biết, trong quý 4/2016 tổng giá trị giao dịch mà hãng thực hiện là 662.000 bảng Anh, tăng gấp bội so với mức 263.000 bảng của cùng kỳ 2015.
Tại Malta, quỹ Wine Source Fund (WSF) trị giá 10 triệu USD đã tăng giá trị tài sản thêm 32% kể từ khi được thành lập vào năm 2012, theo thông tin từ CEO Philippe Kalmbach. Ông Kalmbach cũng là nhà sáng lập công ty Wine Source Group chuyên mua lại rượu vang cao cấp để bán cho các nhà hàng và khách sạn.
Để thu hút nhà đầu tư, quỹ WSF có khá nhiều dịch vụ cao cấp: cho phép đặt chỗ trên các máy bay và du thuyền cá nhân, chuyên gia chọn rượu (sommelier) cho tiệc tối, đặt chỗ giờ chót ở hơn 500 nhà hàng cao cấp trên toàn cầu. Theo Kalmbach cho biết, 60% lượng rượu của WSF được mua từ thị trường mở, còn lại là trực tiếp từ các nhà sản xuất. Sau đó, số rượu này được đem cất vào các nhà kho để tiếp tục quá trình chín mùi (aging) trong điều kiện tối ưu. Hàng năm, khoảng 1/3 số rượu trong danh mục tài sản của WSF được đem ra bán lại để bảo đảm thanh khoản cho quỹ.
Tuấn Minh