Thứ Tư | 21/11/2012 20:24

Đầu tư vào Myanmar vẫn còn nhiều thách thức

Sẽ phải mất rất nhiều thời gian nữa Myanmar mới có thể thu hút được luồng vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm vào thị trường này.
Đổi thay chóng mặt

Khi tổng thống Mỹ Barack Obama tiến hành chuyến công du lịch sử lần đầu tiên đến Myanmar vừa qua, tháp tùng ông là một phái đoàn nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư Mỹ muốn sang đây để tìm kiếm và nắm bắt các cơ hội kinh doanh tại “nền kinh tế mới nổi” này.

Cùng với việc hàng loạt các tổ chức và quốc gia bãi bỏ các lệnh cấm vận trong một năm qua, Myanmar đã “tràn ngập” các nhà đầu tư nước ngoài và những doanh nghiệp muốn đến đây tìm kiếm cơ hội đầu tư. Tập đoàn General Electric (GE) và nhiều công ty sản xuất hàng hóa tiêu dùng khác đang tích cực tìm kiếm các cơ hội hoạt động tại đây.

Trong khi đó, các công ty thẻ hàng đầu thế giới cũng đang tìm kiếm các đối tác ngân hàng trong nước Myanmar để thâm nhập vào thị trường. Các ngân hàng nước ngoài như Standard Chartered cũng đang tính toán để quay lại. Ngân hàng Thế giới (WB) đầu tháng này đã thông qua một khoản viện trợ trị giá 245 triệu USD nhằm hỗ trợ cải cách và phát triển kinh tế của Myanmar. Đây là lần đầu tiên sau 25 năm, WB nối lại hoạt động viện trợ này.

Ngày16/11, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu hầu hết hàng hóa từ Myanmar.
Ngày16/11, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu hầu hết hàng hóa từ Myanmar.

Nhìn trên bề mặt, những dấu hiệu tích cực như vậy đang cho thấy một triển vọng lớn của nền kinh tế Myanmar sau nhiều năm khó khăn. Với tổng số dân 50 triệu, nằm giữa những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, nhưng nền kinh tế Myanmar đã bị cô lập trong nhiều thập kỷ liên tục bởi lệnh cấm vận của các nước phương Tây. Nhưng chỉ trong vòng 2 năm qua, với sự thay đổi tư duy mạnh mẽ của bộ máy lãnh đạo, đứng đầu là tổng thống Thein Sein, nền kinh tế này đã có những cải cách đáng kể về luật lệ đầu tư và tiền tệ.

Myanmar cũng là quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên. Giám đốc điều hành của một công ty năng lượng nói với phóng viên của BusinessWeek: “Có lẽ bất kỳ công ty dầu mỏ nào cũng đang tìm kiếm các cơ hội tại Myanmar vào thời điểm hiện nay”. Vào đầu năm nay, bộ năng lượng của nước này công bố, Myanmar sở hữu các mỏ dầu với trữ lượng khí lớn có thể sánh ngang hàng với một số quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới.

Giá thuê văn phòng hạng thường tại Yangon đã tăng lên nhanh chóng trong thời gian qua. Riêng các phòng tại những khách sạn 5 sao (hiện có rất ít tại Yangon) muốn có phải đặt trước nhiều tháng. Đây là điều khó thấy trong giai đoạn Myanmar bị cấm vận trước đây, khi người ta chỉ có thể thấy lác đác các nhà đầu tư tư Trung Quốc, Thái Lan hay Singapore tại các khách sạn ở Yangon.

Thách thức vẫn còn đó

Tuy nhiên, những cải thiện trong thời gian vừa qua tại Myanmar mới chỉ là những manh nha khởi đầu phát triển của nền kinh tế này. Hầu hết các thương gia đến nước này đều có cảm nhận chung như vậy. Nhất là khi đem so sánh với các nước láng giềng như Thái Lan và Malaysia – những quốc gia đã thành công nhờ các thế mạnh về nhân công, hệ thống luật pháp đầu tư cởi mở và nhiều năm qua đã thu hút được rất nhiều vốn đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp sản xuất.

Điều đáng nói là trong khi Thái Lan và Malaysia có sự lãnh đạo mạnh mẽ từ trung ương thì tại Myanmar, việc chuyển đổi khá đột ngột từ một quốc gia theo chế độ quân sự sang dân chủ nên vẫn còn những xung đột diễn ra trên khắp cả nước.

Báo cáo gần đây về Myanmar của nhóm International Crisis Group dự báo, nguy cơ bạo động ở bang miền tây Arakan (nổ ra từ 6 tháng qua và đã làm ít nhất 200 người thiệt mạng) sẽ tiếp tục gia tăng và có thể lây lan sang các khu vực khác của quốc gia này, thậm chí có thể dẫn đến một cuộc nội chiến nếu không được ngăn chặn kịp thời.

Trong thời gian qua, chính phủ Myanmar đã trấn an các nhà đầu tư rằng họ đang nỗ lực có được các thỏa thuận ngừng bắn với các nhóm phiến quân nổi dậy, đồng thời sẽ đưa lực lượng quân sự vào để duy trì trật tự tại các bang bất ổn như Arakan và Kachin. Ngay cả đích thân lãnh đạo phe đối lập là bà Aung San Suu Kyi cũng đã đề xuất một số giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề này.

Việc Washington dỡ bỏ lệnh cấm vận mang lại cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp dệt may của Myanmar.
Việc Washington dỡ bỏ lệnh cấm vận mang lại cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp dệt may của Myanmar.

Tuy nhiên, 6 tháng đã trôi qua và tình hình tại các bang trên vẫn có dấu hiệu xấu đi khi có tới gần 100.000 người phải rời bỏ nhà cửa của mình để vào các trại tị nạn vì an ninh bất ổn, trong khi các tổn thất về người và của của chính phủ và lực lượng nổi dậy vẫn tăng lên từng ngày.

Thực tế một số nhà đầu tư muốn rót vốn vào Myanmar để khai thác tiềm năng tài nguyên thiên nhiên của nước này 6 tháng trước đây nhưng nay cho biết họ đang phải xem xét lại kế hoạch đầu tư vào đây. Họ lo ngại vì đã có những trường hợp trước đây, khi đầu tư tại các khu vực Papua hay Aceh ở Indonesia, các nhà đầu tư nước ngoài gần như đã mắc kẹt và chịu nhiều tổn thất khi các cuộc xung đột và bạo lực xảy ra.

“Chúng tôi vẫn tới thăm quan và tìm kiếm cơ hội tại hội chợ thương mại về dầu mỏ và khí gas mà Myanmar tổ chức hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, tôi muốn thấy các thỏa thuận ngừng bắn được thực hiện ở mọi nơi trên đất nước này trước khi xét quyết định đầu tư tại đây” – Giám đốc điều hành một công ty năng lượng cho biết.

Ngoài ra, Myanmar cũng đang đối mặt với một số thách thức khác. Ví dụ, mặc dù chi phí nhân lực tại quốc gia này được xem là khá thấp hiện nay nhưng vẫn cao hơn chi phí nhân công tại Bangladesh – nước hiện đã được xem là “cường quốc dệt may”. Trong khi đó, lực lượng lao động của Myanmar trình độ rất thấp. Một trở ngại lớn nữa là mặc dù chính phủ Myanmar đang cố gắng giữ ổn định đồng nội tệ và xây dựng lại ngành ngân hàng nhưng hiện Myanmar vẫn là một thị trường không có thanh khoản.

Hiện Nhật Bản đang giúp nước này thiết lập thị trường chứng khoán. Nhưng ngay cả khi thị trường này đã được vận hành thì doanh thu cũng sẽ rất nhỏ so với các thị trường chứng khoán khác trong khu vực. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm cho rằng, với kinh nghiệm đã có tại rất nhiều nền kinh tế mới nổi ở châu Á thì sẽ phải mất rất nhiều thời gian nữa Myanmar mới có thể thu hút được luồng vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm vào thị trường này.

Nguồn Thời báo ngân hàng


Sự kiện