Thứ Tư | 23/01/2013 18:42

Đầu tư nước ngoài: Chiêu bài trốn thuế của các doanh nghiệp Mỹ

Các doanh nghiệp Mỹ tuyên bố đầu tư khoảng 1,7 nghìn tỷ USD ra nước ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn số tiền đó vẫn còn ở trên đất Mỹ.
Theo Wall Street Journals, một số công ty, bao gồm cả những gã khổng lồ công nghệ như Google, Microsoft hay ECM, vẫn giữ hơn 3/4 số tiền mặt của các chi nhánh ở nước ngoài và lưu giữ chúng dưới dạng tiền mặt trong các ngân hàng Mỹ, hoặc đầu tư vào các loại trái phiếu chính phủ hay cổ phiếu doanh nghiệp.

Đơn cử như EMC, với 10,6 tỷ USD tiền mặt tính đến cuối tháng 9/2012. Trong số này, có 5,1 tỷ USD đang được gửi ở nước ngoài, hồ sơ pháp lý của công ty cho biết. Tuy nhiên, theo báo cáo của Thượng viện năm 2011, hơn 75% số tiền mặt của EMC đang nằm ngay trên nước Mỹ hoặc đầu tư vào một ngành nào đó khác ở quê nhà. Bản thân EMC cũng thừa nhận những số liệu mà thượng viện công bố là chính xác.

Phát ngôn viên của ECM, ông Lesley Ogrodnick, giải thích: "Không riêng gì EMC, nhiều doanh nghiệp khác của Mỹ cũng làm tương tự. Một trong những lý do chính khiến nhiều công ty Mỹ tái đầu tư ở nước ngoài là họ muốn tránh những thiệt hại do những thay đổi trong tỷ lệ ngoại hối gây ra".

Đầu tư nước ngoài được nhiều doanh nghiệp Mỹ sử dụng để trốn thuế.
Đầu tư nước ngoài được nhiều doanh nghiệp Mỹ sử dụng để trốn thuế.


Quả thực, không chỉ có EMC dùng cách này để tránh thuế. Theo hồ sơ của Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC), khoảng 98% trong số 58 tỷ USD tiền mặt do các chi nhánh ở nước ngoài Microsoft nắm giữ được đầu tư vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp hoặc các khoản chứng khoán thế chấp khác.

Trong khi đó, Google hồi tháng 10/2012 cũng từ khai báo sẽ đầu tư 29,1 tỷ USD ra nước ngoài, song thực tế số tiền này đang nằm trong các tài khoản hoặc dưới dạng các khoản đầu tư trong nước. Oracle cũng trong tình trạng tương tự, thượng viện Mỹ cho biết.

Theo các nhà phân tích, những khoản tiền mặt bằng USD của các doanh nghiệp Mỹ hầu hết được chuyển cho các chi nhánh ở nước ngoài nắm giữ, hoặc được cất giấu ở những "thiên đường trốn thuế" như quần đảo Cayman hay Singapore.

Xét về mặt pháp lý, Cục thuế nội địa Mỹ cùng các giám đốc điều hành của những doanh nghiệp này, khai báo rằng số tiền này hiện đang ở nước ngoài. Chừng nào những dòng tiền ở nước ngoài chảy về công ty mẹ vẫn được các doanh nghiệp khai báo là đang ở nước ngoài, chính phủ Mỹ sẽ không thể đánh thuế chúng. Và chừng nào những đồng tiền ấy còn nằm trong tài khoản các ngân hàng hoặc đầu tư vào trái phiếu chính phủ, chúng sẽ an toàn hơn là đầu tư vào những tài sản rủi ro ở nước ngoài.

Cách trốn thuế của các công ty khiến doanh thu thuế của chính phủ Mỹ thiệt hại nặng nề.
Cách trốn thuế của các công ty khiến doanh thu thuế của chính phủ Mỹ thiệt hại nặng nề.

Xét về mặt kế toán, địa điểm của những dòng tiền này chỉ là yếu tố mang tính kỹ thuật. Tuy nhiên, với những người đang ở 2 đầu chiến tuyến của cuộc tranh cãi về cải cách thuế doanh nghiệp, điều này chỉ khiến họ nhận thấy sự phi lý trong các quy định khuyến khích doanh nghiệp tham gia các biện pháp bảo vệ lợi ích thuế của chính phủ Mỹ.

Các chuyên gia nhận định, trong những tuần tới, núi tiền mặt của những tập đoàn lớn nhất nước Mỹ kiếm về trong quý IV/2012 sẽ tiếp tục là tâm điểm của dư luận. Hôm qua 22/1, gã khổng lồ tìm kiếm Google đã công bố báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 3 tháng cuối năm 2012, trong đó doanh thu ròng của hãng đạt gần 10 tỷ USD và lợi nhuận hơn 2 tỷ USD. Theo kết quả điều tra, kho dự trữ tiền mặt của Google hiện lên tới 48,1 tỷ USD so với 44,6 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Các cuộc điều tra khác nhằm vào Johnson & Johnson và DuPont cũng cho kết quả tương tự.

Bên cạnh đó, tình trạng phần lớn tiền đầu tư nước ngoài vẫn nằm trên đất Mỹ đã phá hoại nỗ lực xin miễn giảm thuế đối với các khoản thu ở nước ngoài của nhiều doanh nghiệp. Trong khi đó, nhiều chuyên gia thuế và nhà hoạch định chính sách cho rằng thay vì để tiền đóng băng ở nước ngoài, các doanh nghiệp Mỹ nên đem chúng về đầu tư cho những lợi ích kinh tế ở quê nhà.

Giáo sư đại học trường Luật thuộc Đại học Nam California kiêm cựu giám đốc Ủy ban thuế của quốc hội Mỹ, ông Edward Kleinbard, khẳng định tư tưởng ngại tiếp cận lượng tiền mặt dư thừa của các doanh nghiệp Mỹ là một nhận thức hoàn toàn sai lầm.

"Nếu đó là một tài sản bằng USD, điều đó có nghĩa nó là một tài sản của kinh tế Mỹ dưới một hình thức nào đó, chứ không phải thứ nằm trong tay các cổ đông của doanh nghiệp", ông Kleinbard khẳng định.

Có thể nói, Mỹ là nền kinh tế lớn duy nhất đánh thuế một phần lợi nhuận trong nước của các doanh nghiệp mà không đếm xỉa xem số lợi nhuận đó thực tế bắt nguồn từ đâu. Các kiểm toán viên Mỹ cũng không yêu cầu các công ty phải đóng thuế các khoản doanh thu từ nước ngoài. Lợi dụng kẽ hở này, các doanh nghiệp chỉ cần tuyên bố tiền của họ đang đầu tư ở nước ngoài là có thể trốn được hàng tỷ USD thuế. Kết quả, các doanh nghiệp Mỹ luôn chăm chăm tìm cách đẩy tiền ra nước ngoài hoặc giấu chúng ở những cơ sở quốc tế để trốn thuế.

Mới đây, Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ đã buộc các công ty phải làm rõ số thuế mà họ sẽ phải đóng cho chính quyền liên bang nếu các khoản tiền họ giấu ở nước ngoài bị chuyển về Mỹ cho công ty mẹ. Đây có thể coi là một ý tưởng khá độc đáo nhằm cung cấp cho các cổ đông doanh nghiệp một bức tranh rõ ràng hơn về số tiền mặt mà các doanh nghiệp đang sở hữu nếu chúng được hồi hương.

Trong khi đó, các công ty đang ra sức vận động hành lang quốc hội thay thế hệ thống luật doanh nghiệp hiện tại, trong đó chỉ đánh thuế các khoản lợi nhuận trong nước. Một số khác lại đề xuất sẵn sàng đóng thuế các khoản lợi nhuận ở nước ngoài với điều kiện chính quyền liên bang cho giảm thuế dưới mức 35% hiện tại, có như vậy họ mới đủ tiền trả cổ tức, mua lại cổ phiếu hoặc đầu tư vào kinh tế Mỹ, các doanh nghiệp này cho biết.

Nguồn WSJ/Khampha


Sự kiện