Đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ tập trung vào các dự án năng lượng. Ảnh: Nikkei Asia.
Đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ vượt qua bất động sản vào 2030
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng được dự đoán sẽ vượt qua bất động sản trở thành loại tài sản tư nhân hàng đầu vào 2030. Theo báo cáo của Preqin, dự kiến đầu tư vào các tài sản thay thế sẽ tăng lên 29 nghìn tỉ USD ừ năm 2023 đến 2029, tăng 74%.
Trong giai đoạn cuối thập kỷ 2020, dự kiến sẽ có sự giảm tỉ trọng vốn đầu tư từ Trung Quốc và tăng trưởng mạnh của thị trường vốn tư nhân tại Ấn Độ. Điều này sẽ mở ra các cơ hội đầu tư lớn hơn tại Ấn Độ, không chỉ dừng lại ở các giao dịch vốn đầu tư mạo hiểm nhỏ lẻ mà còn mở rộng ra các giao dịch cổ phần tư nhân quy mô lớn hơn.
Theo nhà cung cấp dữ liệu tài sản thay thế, Nhật Bản và Hàn Quốc được dự đoán sẽ duy trì mức độ hoạt động tổng thể trong lĩnh vực này.
Đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ tập trung vào các dự án năng lượng. Các khoản đầu tư năng lượng mới sẽ được thúc đẩy bởi chương trình điều chỉnh quy định và trợ cấp thuận lợi tại các thị trường phát triển, nhằm giảm thiểu lượng carbon trong sản xuất điện. Trong khi đó, đầu tư bất động sản đang bị hạn chế bởi lãi suất cao và xu hướng kết hợp làm việc từ xa, làm giảm nhu cầu về không gian văn phòng.
Tài sản cơ sở hạ tầng đang dần bắt kịp với bất động sản về tổng tài sản đang quản lý (AUM). Theo báo cáo, cơ sở hạ tầng chưa niêm yết được dự đoán sẽ vượt qua bất động sản tư nhân vào thập kỷ 2030, nhờ vào làn sóng chuyển đổi năng lượng tiếp tục thúc đẩy phát triển của loại tài sản này.
Tuy nhiên, lãi suất cao vẫn là một rào cản trong việc đầu tư vào các tài sản tư nhân. Dự kiến lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ giảm xuống gần 3,25% vào năm 2023, nhưng con số này đã tăng lên gần 4% tính đến tháng 6/2024, cho thấy thị trường chấp nhận viễn cảnh lãi suất cao kéo dài. Hiệu suất của các tài sản tư nhân thường bị ảnh hưởng bởi lãi suất do các tài sản này thường dựa vào nợ để tài trợ.
FED dự kiến sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất đầu tiên sau hơn bốn năm đưa lãi suất từ mức cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ là 5,25-5,5% xuống mức thấp hơn. Tuy nhiên, với tốc độ giảm chậm, dự báo cho thấy hoạt động giao dịch sẽ không tăng tốc cho đến năm 2027.
Thị trường tư nhân bao gồm các khoản đầu tư vào các tài sản không được giao dịch công khai, bao gồm cổ phần tư nhân, nợ tư nhân, bất động sản, vốn đầu tư mạo hiểm, cơ sở hạ tầng và đầu tư quỹ phòng hộ. Các khoản đầu tư này có tính thanh khoản thấp và rủi ro cao hơn, nhưng được coi là mang lại lợi nhuận vượt trội. Quỹ hưu trí Chính phủ Nhật Bản, một trong những quỹ hưu trí lớn nhất thế giới, đã đầu tư vào tài sản thay thế từ năm 2013, mặc dù chúng chỉ chiếm 1,46% tổng tài sản đang quản lý (AUM) so với mục tiêu 5%.
Các tài sản tư nhân thường được quản lý bởi các nhà đàm phán và quản lý quỹ giàu kinh nghiệm, những người có khả năng xác định các công ty tốt nhất để đầu tư trong cả lĩnh vực công và tư, đồng thời gia tăng giá trị cho hiệu suất hoạt động của các công tỉ mà họ hỗ trợ.
Hiện tại, cổ phần tư nhân chiếm tỉ trọng lớn nhất trong các khoản đầu tư thay thế, chiếm 35% tổng tổng AUM vào năm 2023. Tỉ trọng này dự kiến sẽ tăng lên 41%, tương đương 12 nghìn tỉ USD vào năm 2029.
Ngược lại, tỉ trọng đầu tư vào quỹ phòng hộ, loại tài sản thay thế lớn thứ hai, dự kiến sẽ giảm xuống còn 20% so với con số trước đây là 27%. Trong khi đó, các khoản đầu tư vào nợ tư nhân dự kiến sẽ tăng lên 2,6 nghìn tỉ USD, tăng 76% và ngang bằng với bất động sản. Nợ tư nhân liên quan đến việc cung cấp các khoản vay tương tự như các ngân hàng, nhưng tập trung vào các hình thức cho vay mà các ngân hàng truyền thống không chú trọng, chẳng hạn như cung cấp tài chính cho các thương vụ mua lại sử dụng đòn bẩy, và cho các quỹ phòng hộ và startup vay. Các công ty tư nhân có xu hướng cung cấp cả nợ và vốn cổ phần để hỗ trợ việc mua lại, phát triển hoặc tái cấu trúc các công ty.
Các ví dụ gần đây về các thương vụ được tài trợ bởi nợ tư nhân bao gồm việc mua lại Adevinta, nhà điều hành thị trường trực tuyến của Na Uy, trị giá 13 tỉ USD bởi một tập đoàn do Blackstone đứng đầu, giao dịch này đã hoàn thành vào tháng 5. Ngoài ra, còn có giao dịch mua lại công ty dịch vụ tài chính Hargreaves Lansdown của Anh, với giá trị lên đến 6,9 tỉ USD, được thực hiện bởi một nhóm do CVC dẫn đầu và được công bố vào tháng 8.
Có thể bạn quan tâm:
Người giàu Trung Quốc tìm cơ hội đầu tư ra nước ngoài
Nguồn Nikkei Asia