Nhiều thương buôn cho biết dầu Nga liên tục tăng giá trong những tuần qua. Ảnh: Bloomberg.
Dầu Nga trở nên đắt đỏ với khách châu Á
Giá dầu thô và nhiên liệu của Nga có xu hướng tăng đối với những khách mua ở châu Á do bị thúc đẩy từ nhu cầu cao của Trung Quốc và Ấn Độ. Điều này gây áp lực lên các nhà máy lọc dầu nhỏ lẻ đang háo hức tiêu thụ dầu giá rẻ.
Các thương buôn cho biết mức chào giá đối với dầu thô Urals, ESPO và nhiên liệu của Nga đã tăng lên trong các tuần qua. Theo dữ liệu của hãng tin Bloomberg, các công ty lọc dầu nhà nước và tư nhân Trung Quốc như Sinopec, PetroChina Co. và Hengli Petrochemical Co., tỏ ra rất quan tâm đến nhóm sản phẩm này. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ dầu của Ấn Độ cũng tăng cao, từ đó kéo theo giá dầu Nga tăng vọt.
Việc các hãng lọc dầu lớn bày tỏ sự thích thú đối với sản phẩm dầu Nga cũng gây sức ép lớn lên các công ty nhỏ, vốn là những khách hàng quen thuộc của dầu Nga giá rẻ. Trong thị trường này, dầu ESPO đặc biệt được giới buôn dầu ưa chuộng vì tuyến vận chuyển ngắn.
Những thương buôn cho biết giá dầu ESPO tại cảng Kozmino được chào giá thấp hơn gần 6,5-7 USD/thùng so với dầu Brent ICE được phân phối giao đến Trung Quốc. Trong khi các loại dầu Urals hàng đầu được vận chuyển từ các cảng phía Tây có giá khoảng 10 USD, gần với mức sàn của thị trường. Tuy nhiên, so với tháng trước, giá này đã tăng lên khoảng 2 USD, đánh dấu bước nhảy vọt mạnh mẽ nhất kể từ khi các lệnh trừng phạt Nga có hiệu lực.
Trung Quốc và Ấn Độ trở thành những khách hàng chính của dầu thô Nga sau khi quốc gia này bị các nước phương Tây “lạnh nhạt” do chiến tranh chính trị ở Ukraine. Tuy nhiên, hiện tại số lượng khách hàng mua dầu thô của Nga đang có chiều hướng tăng lên. Các khách hàng này bỏ qua những lo ngại về lệnh trừng phạt Nga của phương Tây để có thể mua dầu và nhiên liệu với giá rẻ, cũng như ngăn chặn sự gián đoạn của chuỗi cung ứng.
Những khách hàng này giảm thiểu rủi ro trong việc mua dầu thô và nhiên liệu bằng cách yêu cầu bên bán chịu trách nhiệm khâu vận chuyển và bảo hiểm. Bên cạnh đó, họ cũng thực hiện thanh toán bằng nhân dân tệ, rupee, dirham hoặc đồng rúp. Điều này giúp họ giảm bớt các lo lắng về việc phải tuân thủ giá trần 60 USD/thùng dựa trên các lệnh trường phạt của phương Tây. Như vậy, các hãng nhập khẩu cảm thấy tự tin hơn trong việc mua dầu Nga và không còn lo lắng về sự gián đoạn dòng chảy.
Mặt khác, theo hãng Bloomberg, về phía 2 quốc gia Trung Quốc và Ấn Độ, không rõ họ có đang tuân thủ nhập khẩu dầu theo giá trần hay không do phần lớn quá trình vận chuyển hàng hóa đều do bên mua sắp xếp và chịu trách nhiệm. Chi phí vận chuyển và bảo hiểm hàng hóa đều không được công bố với số liệu rõ ràng. Nhưng các quan chức Mỹ nói rằng riêng Ấn Độ vẫn đang tuân thủ trần giá.
Có thể bạn quan tâm:
Công nghệ 6G sẽ được ra mắt vào năm 2030
Nguồn Bloomberg