Đâu là nguyên nhân khiến rúp Nga tiếp tục lao dốc?
Trong vòng một tháng trở lại đây, rúp Nga này đã mất giá 20%, thậm chí tại một số thời điểm chạm ngưỡng tâm lý 100 rúp/USD. Tuy vài ngày gần đây đồng tiền này đã ít nhiều hồi phục, song vẫn thấp hơn 2,5 lần so với thời điểm cách đây 2 năm.
Đà giảm của rúp có thể trầm trọng hơn và ở một vài khía cạnh phụ thuộc vào Ngân hàng trung ương Nga.
Tỷ giá rúp được quyết định bởi 3 yếu tố: giá dầu, dòng vốn rút khỏi Nga và hoạt động quản lý dự trữ ngoại hối của Ngân hàng trung ương. Năm 2015, giá dầu lao dốc, trong khi 2 yếu tố còn lại thuận lợi hơn dự kiến.
Dự báo chính thức một năm trước cho thấy dòng vốn rút khỏi Nga năm 2015 là 115 tỷ USD, nhưng con số thực tế chỉ là 57 tỷ USD. Tuy vậy, trong bối cảnh Nga đang bị phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt liên quan đến khủng hoảng tại Ukraine, đầu tư nước ngoài vào Nga đang dần cạn kiệt.
Mặt khác, năm 2015, các công ty và ngân hàng của Nga dự kiến phải thanh toán 100 tỷ USD nợ nước ngoài. Hiện vẫn chưa rõ bao nhiêu phần trăm số nợ trên thuộc về chủ nợ nước ngoài và bao nhiêu phần trăm thuộc về các công ty của Nga ở nước ngoài.
Năm 2015, Ngân hàng Trung ương Nga đã làm rõ việc này, đồng thời cải thiện độ minh bạch với thị trường - trái ngược với năm 2014 khi các khoản giao dịch không được làm rõ, kể cả việc bán 11 tỷ USD trái phiếu Rosneft hồi tháng 12/2014, khiến rúp lao dốc.
Trong năm 2015, Ngân hàng trung ương Nga cũng khẳng định cảm kết thả nổi tỷ giá và duy trì dự ngoại hối ở 370 tỷ USD. Một lần nữa, điều này khác với năm 2014 khi dự trữ ngoại hối giảm 1/4 từ mức 510 tỷ USD. Mặc dù việc sử dụng dự trữ ngoại hối có thể đẩy rúp tăng giá trong ngắn hạn, nhưng việc này cũng có thể chỉ trì hoãn việc giảm giá mà thôi. Cam kết thả nổi tỷ giá và sự minh bạch mới có thể tạo ra niềm tin trong dài hạn.
Điều này có đồng nghĩa rằng rúp sẽ không giảm hơn nữa trong năm 2016? Thật không may, câu trả lời là không. Nếu giá dầu vẫn duy trì ở mức hiện tại và không có sự thay đổi đáng kể về dòng vốn, rúp chắc chắn sẽ giảm thêm 10-15%.
Tuy Ngân hàng Trung ương Nga đã chứng minh rằng họ có thể quản lý được dự trữ ngoại hối và tỷ giá thực của rúp, song vẫn chưa thể thành công tương tự với lạm phát - do vậy, cả tỷ giá danh nghĩa. Trong 2 năm qua, Ngân hàng trung ương Nga đặt mục tiêu lạm phát là 5-6%, nhưng thực tế, lạm phát luôn ở mức 2 con số.
Mặc dù, dự báo lạm phát chính thức của năm 2016 là 6%, nhưng theo giới phân tích, con số này có thể là 15%. Rõ ràng, Ngân hàng trung ương Nga không thể chịu được sức ép hạ lãi suất từ các doanh nghiệp nội địa, khiến lãi suất hiện tại thấp hơn 2% so với lạm phát.
Chính phủ Nga cũng hưởng lợi từ lạm phát cao. Thâm hụt ngân sách dự kiến là 3% GDP, nhưng con số này được tính toán dựa trên giá dầu ở 50 USD/thùng. Do đó, nếu giá dầu ở 30 USD/thùng, thâm hụt ngân sách sẽ tăng lên 6-7% GDP.
Do chính phủ Nga không thể đi vay thêm (vì các lệnh trừng phạt của phương Tây), nên nước này sẽ phải điều chỉnh đáng kể chính sách tài khóa trong năm 2016 này. Và giải pháp có khả năng là: giảm chi, tăng thuế và dùng lạm phát để "quản lý" những thứ còn lại. Như mọi khi, người nghèo sẽ chịu thiệt thòi nhất khi lạm phát cao hơn.
Bi kịch tài chính của Nga cũng như sự bất ổn của rúp, cho thấy Ngân hàng trung ương nước này vẫn chưa giải quyết được những thách thức về chính sách kinh tế. Tuy việc đa dạng hóa nền kinh tế là mục tiêu chính của chính phủ Nga từ năm 2000, song xuất khẩu và ngân sách vẫn phụ thuộc quá nhiều vào giá dầu. Và thách thức này không thể hóa giải được bằng chính sách của ngân hàng trung ương mà đòi hỏi những cải cách cấu trúc, bảo vệ quyền sở tài sản và hệ thống pháp luật. Thông điệp này đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Nhật Trường
Nguồn FT