Thứ Tư | 20/01/2016 15:05

Đâu là điểm yếu trong kho dự trữ ngoại hối khổng lồ của Trung Quốc?

Kho dự trữ ngoại hối 3,3 nghìn tỷ USD, lớn nhất thế giới, của Trung Quốc thực sự ấn tượng. Ngoại trừ một điểm.

Nếu đem kho dự trữ ngoại hối ra so sánh với lượng nhân dân tệ (NDT) luân chuyển trong nền kinh tế, "hỏa lực" này của Bắc Kinh xem ra vẫn còn hạn chế.

Dự trữ ngoại hối bằng USD hiện chiếm khoảng 15,5% nguồn cung tiền M2 - một chỉ số cho thấy lượng tiền lưu thông, ghi nhận mức thấp nhất kể từ năm 2004 và thậm chí thấp hơn so với hầu hết các nền kinh tế châu Á, kể cả Thái Lan, Singapore, Đài Loan, Philippines và Malaysia, theo số liệu của Bloomberg.

Điều này không đồng nghĩa rằng toàn bộ lượng tiền này sẽ rời khỏi Trung Quốc - người dân cần NDT để mua sắm quần áo, trả tiền thuê nhà và các chi phí hàng ngày khác.

Và bằng các phương pháp truyền thống khác, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc hiện vẫn ở mức an toàn, đủ để đối phó với mọi cuộc khủng hoảng. Lượng dự trữ ngoại hối này đủ để thanh toán 5 lần khoản nợ ngắn hạn bằng USD và đủ để mua toàn bộ hàng nhập khẩu trong 2 năm tới, theo ước tính của Nomura Holdings Inc.

Tuy nhiên, tỷ trọng thấp so với cung tiền đồng nghĩa kho dự trữ sẽ hao mòn nhanh chóng trong trường hợp nhà đầu tư rút vốn - đã lên đến 1 nghìn tỷ USD trong năm 2015 tính đến tháng 11/2015.

Có lẽ đây là lý do khiến Trung Quốc phải siết chặt các biện pháp kiểm soát vốn và tăng cường bảo vệ NDT nhằm xua tan mọi đồn đoán cho rằng đồng tiền này sẽ còn tiếp tục mất giá - nguyên nhân dẫn đến việc dòng vốn ồ ạt tháo chạy khỏi Trung Quốc.

Năm 2015, Trung Quốc đã rút 513 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối để hỗ trợ NDT, khiến tỷ lệ dự trữ-M2 rơi khỏi mức 19% xuống 15,5%.

Trong khi đó, IMF trong một báo năm 2014 lưu ý rằng tỷ lệ này phải ở mức trên 20% mới được xem là "vững chắc".

Nhật Trường

Nguồn Bloomberg