Slovnaft nhà máy lọc dầu khoáng lớn nhất Slovakia, ở Bratislava, Slovakia. Ảnh: Getty Images.
Dầu có thể cán mốc 150 USD nếu chiến tranh tiếp tục leo thang
Ngân hàng Thế giới cảnh báo giá dầu cao kỷ lục có thể sắp xảy ra trong trường hợp cuộc chiến tranh Israel - Hamas đang diễn ra tiếp tục leo thang.
Nếu xung đột mở rộng ra ngoài biên giới Dải Gaza và lặp lại lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập vào năm 1973, giá dầu có thể tăng lên 157 USD/thùng, Ngân hàng Thế giới lưu ý trong báo cáo Triển vọng Thị trường Hàng hóa mới nhất.
Theo dữ liệu từ Tập đoàn giao dịch chứng khoán London (LSEG), giá dầu cao nhất được ghi nhận là vào tháng 7/2008, khi giá dầu Brent giao dịch ở mức 147,5 USD/thùng.
Ngân hàng Thế giới cho biết, trong kịch bản một sự gián đoạn lớn xảy ra, có thể so sánh với lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập năm 1973, nguồn cung dầu toàn cầu sẽ giảm từ 6 triệu đến 8 triệu thùng mỗi ngày. Điều này có thể thúc đẩy giá tăng từ 56% đến 75%, lên từ 140 đến 157 USD một thùng.
Cuộc khủng hoảng dầu mỏ 50 năm trước đã khiến giá dầu tăng gấp 4 lần sau khi các bộ trưởng năng lượng Ả Rập áp đặt lệnh cấm vận xuất khẩu dầu đối với Mỹ để trả đũa việc nước này hỗ trợ Israel trong cuộc chiến tranh Ả Rập - Israel năm 1973.
Dự báo này là một trong ba kịch bản rủi ro của Ngân hàng Thế giới, ước tính mức độ gián đoạn khác nhau đối với nguồn cung dầu, dựa trên các giai đoạn lịch sử liên quan đến xung đột khu vực trong quá khứ.
Trong trường hợp “gián đoạn nhỏ”, nguồn cung dầu toàn cầu sẽ giảm 500.000 thùng mỗi ngày xuống còn 2 triệu thùng mỗi ngày, mức giảm tương đương với con số được ghi nhận trong cuộc nội chiến ở Libya năm 2011.
Một kịch bản “gián đoạn trung bình” sẽ loại bỏ 3-5 triệu thùng mỗi ngày khỏi thị trường và đẩy giá dầu lên từ 109 đến 121 USD/thùng. Con số này gần tương đương với mức đạt được trong cuộc chiến tranh Iraq năm 2003.
Với tất cả những gì đã được trình bày, theo ước tính cơ bản của Ngân hàng Thế giới, giá dầu dự kiến sẽ ở mức trung bình 90 USD/thùng trong quý hiện tại trước khi giảm xuống mức trung bình 81 USD/thùng vào năm 2024, khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Báo cáo cho biết tác động của cuộc xung đột lên thị trường hàng hóa “sẽ bị hạn chế” nếu nó không lan rộng.
Mặc dù cả Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine đều không phải là những quốc gia đóng vai trò chủ chốt về dầu mỏ nhưng cuộc xung đột lại diễn ra ở khu vực sản xuất dầu nòng cốt.
Nếu xung đột leo thang, nền kinh tế toàn cầu có khả năng phải đối mặt với cú sốc năng lượng kép lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, không chỉ từ cuộc chiến ở Ukraine mà còn từ Trung Đông.
Có thể bạn quan tâm:
Thời đại của người tiêu dùng thích "ẩn dật"
Nguồn CNBC