Tổng thống Trump dường như rất muốn tuyên bố chiến thắng và phóng đại danh tiếng của mình

 
Thái Bình Thứ Năm | 03/01/2019 08:56

Dấu ấn của Tổng thống Trump sau 2 năm cầm quyền

Có lẽ chưa Tổng thống nào của Mỹ để lại nhiều dấu ấn riêng nhưng cũng đầy sự xáo trộn như Donald Trump chỉ trong 2 năm cầm quyền.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

Tháng 3.2018, ông Trump tuyên bố áp thuế 25% với các sản phẩm thép và 10% với nhôm nhập khẩu từ nước ngoài. Quyết định được đưa ra trên cơ sở an ninh quốc gia, điều cho phép Trump không cần sự phê duyệt của Quốc hội. Chỉ có Australia và Argentina là 2 nước được miễn trừ dài hạn đối với chính sách thuế quan mới. Chính sách này đã dấy lên sự đáp trả thuế quan từ Canada, EU và Trung Quốc đối với hàng hóa Mỹ như đậu nành, thịt lợn, whiskey và xe motor.

Thuế nhập khẩu thép và nhôm mới chỉ là sự bắt đầu cho một cuộc chiến thương mại, nhằm chủ yếu vào Trung Quốc. Tháng 7, ông Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với 34 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc; tháng 8, tiếp tục tuyên bố áp thuế đối với 16 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc nữa. Đến tháng 9, ông tuyên bố sẽ áp 10% thuế với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc vào năm tới và dọa sẽ gấp đôi con số này nếu Bắc Kinh “dám” đáp trả.

Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn là nhập khẩu từ xứ cờ hoa và về cơ bản là “không đủ vốn” để đáp trả “từng xu”. Đó có lẽ là một trong những lý do Bắc Kinh muốn tìm cách hạ nhiệt những căng thẳng thương mại gây nhiều tổn hại.

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 đầu tháng 12 tại Buenos Aires, Argentina, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý đình chiến thương mại 90 ngày, để 2 bên tiếp tục thảo luận về thỏa thuận thương mại toàn diện trước tháng 3.2019.

Tổng thống Trump dường như rất muốn tuyên bố chiến thắng và phóng đại danh tiếng của mình như một nhà đàm phán đã làm nên thỏa thuận.

Cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử

Tháng 5.2018, ông Trump thực hiện một trong những cam kết tranh cử của mình là rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà người tiền nhiệm Barack Obama đã đạt được năm 2015. Quyết định này vấp phải sự phản đối của các cố vấn cấp cao nhất và lãnh đạo một số đồng minh của Mỹ như Thủ tướng Đức Angela Merkel hay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Dù những người ủng hộ thỏa thuận này lên tiếng bảo vệ rằng, đó là một thỏa thuận thực tế, có thể làm giảm nguy cơ Iran đạt được vũ khí hạt nhân, nhưng ông Trump lại tuyên bố thỏa thuận này là một phía và tồi tệ nhất trong lịch sử.

Cũng trong tháng 5.2018, Mỹ quyết định chuyển Đại sứ quán tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem sau khi công nhận thành phố thánh địa này là thủ đô của Israel.

Dau an cua Tong thong Trump sau 2 nam cam quyen
Tháng 5/1208, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: Vox

Nếu như năm 2017, nước Mỹ dường như đứng bên bờ vực chiến tranh với Triều Tiên khi Tổng thống Trump cảnh báo Nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ gặp phải “lửa và giận giữ” nếu còn tiếp tục đe dọa Mỹ. Lãnh đạo hai bên cũng không ngừng khẩu chiến với nhau, đặc biệt là cuối năm 2017.

Thế nhưng mọi sự gây hấn, chẳng ai ngờ đến, lại mở đường cho một dấu ấn ngoại giao trong năm 2018 khi ông Trump đồng ý gặp ông Kim vào tháng 6.2018 tại Singapore, cuộc gặp chưa từng diễn ra trong lịch sử giữa lãnh đạo đương nhiệm của Mỹ và Triều Tiên. Cả 2 nhà lãnh đạo đều đánh giá cao cuộc gặp thượng đỉnh này là bước đột phá lớn dù các chuyên gia vẫn hoài nghi về những gì thực sự đạt được.

6 tháng trước cuộc gặp Thượng đỉnh và cả 6 tháng sau đó, Triều Tiên không hề có 1 vụ thử tên lửa hay hạt nhân nào, căng thẳng cũng ở mức rất thấp, nhưng một Triều Tiên “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” như Mỹ mong muốn thì vẫn còn xa vời.

Kinh tế Mỹ và sự bất ổn 

Báo cáo hồi tháng 10 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy Mỹ lần đầu trở lại vị trí nền kinh tế cạnh tranh nhất toàn cầu trong 10 năm qua, khẳng định thêm thành tựu của Mỹ kể từ khi ông Trump lên nắm quyền.

Dau an cua Tong thong Trump sau 2 nam cam quyen

Tuy nhiên, khi năm 2018 kết thúc, tình hình kinh tế Mỹ lại ít “màu hồng” hơn so với vài tháng trước. Thị trường chứng khoán Mỹ ban đầu tăng sau chiến thắng của ông Trump cuối năm 2016, chứng minh những lo ngại ông có thể hủy hoại nền kinh tế Mỹ khi lên nắm quyền là sai. Nhưng sự bất ổn kinh tế có một phần nguyên nhân từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khiến các chỉ số Dow Jones và S&P 500 xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 12 kể từ thời kỳ Đại Suy thoái.

Và dù việc làm trong lĩnh vực sản xuất bùng nổ dưới thời Tổng thống Trump thì vẫn có những thông tin ảm đạm khi cuối tháng 11, hãng sản xuất ô tô biểu tượng General Motors đã tuyên bố cắt giảm 15.000 việc làm. Rất nhiều trong số đó là ở Trung Tây nước Mỹ - khu vực chính giúp mang lại chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016.

Sự xáo trộn trong chính quyền

Năm đầu tiên của Trump ở Nhà Trắng đã chứng kiện sự ra đi của các quan chức cấp cao nhiều hơn bất cứ chính quyền nào khác trong ít nhất 40 năm qua. Các quan chức cấp cao thậm chí tại vị không đầy năm như: Chiến lược gia Steve Bannon, Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus, Thư ký báo chí Sean Spicer và Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn.

Nguồn Magazine.vov.vn/CNBC