Thứ Ba | 04/06/2013 19:09

Đào sâu bất bình đẳng thu nhập ở các nước phát triển

Bất bình đẳng thu nhập không chỉ là vấn đề của nước đang phát triển, ngay tại các nước phát triển, chênh lệch giàu-nghèo đang ngày càng bị đào sâu.

Cuộc khủng hoảng tài chính khiến nhiều người tưởng rằng nền kinh tế đang chuyển động chậm lại, vì mức lương danh nghĩa không theo kịp lạm phát hay việc cắt thưởng dần phổ biến tại các ngân hàng.

Không phủ nhận, đây là hiện tượng phổ biến. Hình dung theo quy luật 80-20, thu nhập tăng chậm lại trong 80% dân số, còn 20% dân số còn lại thì sao?

Nhận định trên gặp phải một sai lầm phổ biến, chỉ nhìn vào 80% phổ biến mà quên đi rằng, đôi khi câu trả lời cuối cùng lại được lý giải bởi 20% ít ỏi còn lại. Thực ra, thế giới không ngừng chuyển động, thậm chí còn sôi động hơn trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay của nền kinh tế toàn cầu, vì những nhà đầu tư thông minh vẫn nhìn thấy "cơ hội vàng trong khủng hoảng".

Tại các nền kinh tế phát triển, 20% người giàu ngày càng giàu lên, nới rộng khoảng cách với 80% thuộc tầng lớp dưới, do lương thực tế tăng rất chậm chưa kể tình trạng thất nghiệp dường như chỉ đặt gánh nặng lên đa phần nhóm dân số này.

Trong tốc độ phục hồi chậm của kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng, hầu hết các nước mới nổi và các nước đang phát triển đều tạo thêm nhiều việc làm hơn và giảm bất bình đẳng thu nhập. Ngay cả khi bất bình đẳng còn ở mức cao.

Tuy nhiên, trong "Báo cáo việc làm hàng năm" mới được Tổ chức lao động quốc tế (ILO) công bố ngày 3/6, nhóm nghiên cứu chỉ ra một xu hướng trái ngược đối với các nước phát triển. Đó là tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng kèm theo tình trạng bất bình đẳng thu nhập ngày càng trầm trọng (xem đồ thị).

Nhìn chung, khối nước giàu có mức độ bất bình đẳng thu nhập cao. Trong đó, Mỹ là nơi bất bình đẳng trầm trọng nhất, tiếp đến là các nước như Tây Ban Nha, Italia, Pháp. Trong 6 nền kinh tế phát triển tiêu biểu được đề cập, bất bình đẳng chỉ giảm tại Bỉ và Đức trong 2 năm 2010 và 2011.

Chênh lệch giàu-nghèo ngày càng gia tăng, tuy nhiên nhóm dân số nằm giữa-tầng lớp trung lưu cũng không thể tránh khỏi thời kỳ khó khăn.

Tầng lớp trung lưu giảm

Không ngạc nhiên bởi sự suy giảmcủa tầng lớp trung lưu ở nhiều nước phát triển. Tại Tây Ban Nha, phần trăm số gia đình có thu nhập trung bình giảm xuống, chỉ còn 46% vào cuối năm 2010 so với 50% trong năm 2007. Tại Mỹ, 7% giàu nhất đạt tốc độ tăng thu nhập ròng bình quân từ 56% (năm 2009) lên 63% (năm 2011).

"Hiện tượng đặc biệt này do tình trạng thất nghiệp dài hạn, hay suy thoái trong chất lượng lao động và việc làm đã đẩy người lao động rời khỏi thị trường lao động", trích báo cáo của ILO.

Ông Raymond Torres, giám đốc Viện nghiên cứu khoa học-xã hội quốc tế, một trong những tác giả của bản báo cáo nhận định rằng: "Đó là một mối lo ngại. Quyết định đầu tư dài hạn của doanh nghiệp một phần phụ thuộc vào tình trạng phát triển ổn định và lớn mạnh của tầng lớp trung lưu – nhóm chiếm lượng tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ lớn nhất.”

Tuy nhiên, trong lĩnh vực này đầu tư, xu hướng không phải là một tàu sân bay. Nếu tỷ lệ lợi nhuận trong nền kinh tế đã tăng 2,2% trong vòng 5 năm (2007-2012) ở những nước giàu trong nhóm G20, thì ngược lại tỷ lệ đầu tư lại giảm 3,6%.

Để giải quyết vấn đề trên, biện pháp đầu tiên mọi nhà nước đều nghĩ đễn là đánh thuế thu nhập lũy tiến hoặc trợ cấp. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, một biện pháp không mới như thuế, cần có các kênh truyền dẫn mới.

Cách né tránh hành lang thuế bằng việc chuyển tiền sang tài khoản bí mật tại các ngân hàng Thụy Sĩ, Áo, Luxemburg đã diễn ra hàng chục năm nay. Do vậy, chừng nào các tài khoản bí mật chưa được công khai, ít nhất đối với cơ quan quản lý của chính phủ thì khi đó, sự can thiệp nhằm phân phối lại thu nhập vẫn là một thất bại của khu vực công.

Quan trọng hơn, chiếc chìa khóa để giải quyết tình trạng chênh lệch giàu-nghèo cũng như hiện tượng thu nhập giảm của tầng lớp trung lưu, được cất trong thị trường lao động. Tạo ra nhiều việc làm hơn, bằng việc tạo ra thị trường lao động bớt cứng nhắc hơn có lẽ là một biện pháp tốt cho các nước phát triển, đặc biệt tại thị trường lao động tại châu Âu.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện