Mặc dù Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số của Liên minh châu Âu (DSA) đã được thông qua và triển khai từ năm ngoái, nhưng ngày 26/8 đánh dấu cột mốc quan trọng. Ảnh: Getty Images.

 
Nguyên Hồ Thứ Ba | 05/09/2023 16:42

Đạo luật mới từ EU khiến các công ty công nghệ Mỹ "đau dầu"

Big Tech đã sẵn sàng trở thành một lĩnh vực được quản lý chặt chẽ chưa? Câu trả lời sắp được tìm ra.

Kể từ ngày 26/8, Đạo luật kiểm soát công nghệ chính thức có hiệu lực tại châu Âu. Theo đó, người dùng đã có thể báo cáo nội dung phạm pháp, thông tin sai sự thật và sản phẩm kém chất lượng trên một số nền tảng công nghệ.

Đòn giáng từ phía EU

Theo CNN, Đạo luật mới tại châu Âu sẽ tác động đến mọi hoạt động của những gã khổng lồ trong ngành công nghệ, từ kiểm duyệt phương tiện truyền thông xã hội đến quảng cáo nhắm mục tiêu và phát hiện hàng giả trong thương mại điện tử.

Đạo luật này của EU sẽ áp dụng cho các công ty và tập đoàn lớn như Amazon, Apple, Google, Meta, Microsoft, Snapchat và TikTok. Điều này phản ánh một trong những nỗ lực tham vọng nhất của các nhà hoạch định chính sách, đó là mong muốn kiểm soát đại gia công nghệ thông qua luật pháp.

Có thể thấy EU đang rất nỗ lực trong việc giải quyết thông tin sai sự thật, một vấn đề nghiêm trọng trong những năm gần đây. Thông tin giả mạo xuất phát từ lỗ hổng thuật toán, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ.

Mặc dù Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số của Liên minh châu Âu (DSA) đã được thông qua và triển khai từ năm ngoái, nhưng ngày 26/8 đánh dấu cột mốc quan trọng, theo đó, bất kỳ nền tảng công nghệ nào với hơn 45 triệu người dùng đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong luật.

Các nhà hoạch định chính sách nhấn mạnh mục tiêu "thiết lập sân chơi bình đẳng nhằm thúc đẩy đổi mới, tăng trưởng và khả năng cạnh tranh tại thị trường chung châu Âu cũng như trên toàn cầu". Hành động cứng rắn này giúp củng cố vị thế của châu Âu với tư cách là các quốc gia đi đầu trong việc kiểm soát các công ty công nghệ lớn của Mỹ.

Có thể thấy EU đang rất nỗ lực trong việc giải quyết thông tin sai sự thật, một vấn đề nghiêm trọng trong những năm gần đây. Ảnh: AFP.
Có thể thấy EU đang rất nỗ lực trong việc giải quyết thông tin sai sự thật, một vấn đề nghiêm trọng trong những năm gần đây. Ảnh: AFP.

Big Tech phản hồi

Nhằm tuân thủ các quy tắc DSA đưa ra, trong tháng này TikTok đã và đang triển khai công cụ báo cáo nội dung bất hợp pháp và cho biết sẽ giải thích cụ thể với người dùng khi nội dung cá nhân bị xóa. TikTok cũng sẽ ngừng hiển thị quảng cáo hướng tới thanh thiếu niên ở châu Âu dựa trên dữ liệu công ty thu thập.

Ông Morgan Evans, đại diện phát ngôn của TikTok, cho biết "Chúng tôi đã giới thiệu tính năng mới tập trung vào sự minh bạch xung quanh cách tiếp cận hệ thống quảng cáo, kiểm duyệt nội dung và đề xuất cho người dùng, cuối cùng là cung cấp cho khách hàng nhiều quyền kiểm soát hơn khi trải nghiệm TikTok, đồng thời khẳng định công ty sẽ tiếp tục đầu tư "cho cộng đồng toàn cầu".

Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Meta, ông Nick Clegg, cho hay công ty "ủng hộ mục tiêu của DSA và đang phát triển đội ngũ quản lý ở châu Âu nhằm giảm thiểu rủi ro". Vị Chủ tịch kiêm cựu Phó Thủ tướng Anh, nói rằng Meta đã tập hợp một đội ngũ hơn 1.000 nhân viên sẵn sàng xử lý các yêu cầu từ DSA.

Tương tự, phát ngôn viên của Microsoft cũng nhấn mạnh với DSA: "Đây là một cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống lại nội dung trực tuyến bất hợp pháp của Microsoft. Chúng tôi quan tâm đến trách nhiệm của mình ở EU với tư cách là công ty công nghệ lớn. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Ủy ban châu Âu để đáp ứng các yêu cầu DSA".

Trong khi đó, công ty mẹ Snapchat, Snap, tuyên bố đang hợp tác chặt chẽ với Ủy ban châu Âu để đảm bảo tuân thủ đạo luật mới. Một số chuyên viên đã được bổ nhiệm để theo dõi quá trình thực hiện nghĩa vụ của công ty với DSA

Về phía Apple, công ty cũng cho rằng mục tiêu của DSA: "phù hợp với mục tiêu của Apple là bảo vệ người tiêu dùng khỏi nội dung bất hợp pháp và có hại. Chúng tôi đang làm việc để thực hiện các yêu cầu của DSA”.

Tương tự, Google và Pinterest cho biết đang hợp tác chặt chẽ với Ủy ban châu Âu.

Tuân thủ luật pháp là điều phải làm. Tuy nhiên, "Liệu big tech có sẵn sàng chịu sự quản lý chặt chẽ hay không là một vấn đề khác", theo ông Robert Grosvenor, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Alvarez & Marsal. 

Có thể bạn quan tâm: 

Campuchia: "Viên ngọc" ẩn trong nền ẩm thực

Nguồn CNN