Đánh thuế tiền gửi ở Síp: Châu Âu tự hại mình
Kết quả là, các ngân hàng Síp bị cạn kiệt tiền trong nháy mắt. Một số thậm chí còn buộc phải đóng cửa và tạm ngừng các giao dịch. Trong khi đó, 2 ngân hàng lớn nhất của nước này cũng đứng bên bờ vực phá sản.
Việc Síp chấp nhận đánh thuế tiền gửi để đối lấy cứu trợ thực sự là một đòn giáng mạnh vào các nhà đầu tư cũng như tương lai của eurozone. Nhiều chuyên gia còn dự đoán một làn sóng bán tháo tài sản và đồng euro sẽ nổ ra nếu các nước cũng quyết định áp dụng cách làm của Cộng hòa Síp.
Theo các chuyên gia, các nhà đầu tư đang tỏ ra vô cùng lo ngại khi quyết định đánh thuế tiền gửi tiết kiệm của đảo Síp hôm 17/3 có thể tạo nên một "tiền lệ" nguy hiểm đối với Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Bên cạnh đó, không chỉ các ngân hàng của đảo Síp mà ngay cả các ngân hàng trong khu vực cũng đứng trước nguy cơ bị sụp đổ hàng loạt.
Chẳng những thế, quyết định của đảo Síp có thể khuyến khích những người gửi tiền ở những quốc gia đang mắc nợ như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha hay Italia ồ ạt rút tiền để chuyển tới những ngân hàng "an toàn hơn".
Giám đốc điều hành của G20 Forex Strategy cho biết: "Việc Síp trở thành quốc gia đầu tiên ở eurozone đánh thuế tiền gửi có thể khiến người gửi tiền ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italia vô cùng lo lắng, dù các nhà hoạch định chính sách ở những nước này đã cố ra sức trấn an họ".
Ngoài ra, gói cứu trợ 10 tỷ euro cho đảo Síp cũng làm khơi gợi lại những lo ngại về sự ổn định của eurozone, đồng thời làm tăng mối hoài nghi về tương lai của eurozone.
Nhận định về quyết định đánh thuế tiền gửi của đảo Síp, chủ tịch kiêm giám đốc đầu tư của Cumberland Advisors, ông David. Kotok, chua chát nói: "Châu Âu đúng là tự hại mình".
Nguồn CNBC/Khampha