Đằng sau việc Trung Quốc liên tục phá giá đồng nhân dân tệ
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo biện pháp này như một “con dao hai lưỡi” và Trung Quốc cần thận trọng để giảm các tác dụng phụ không mong muốn.
Quyết định trên của Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBoC) được đưa ra sau khi các số liệu kinh tế được công bố cuối tuần trước cho thấy “sức khỏe” của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang có vấn đề: đà tăng trưởng kinh tế chậm, xuất khẩu giảm 8,3%, chỉ số giá sản xuất (PMI) trong tháng 7 chạm mức thấp nhất trong 6 năm qua (xuống còn 47,8), tăng trưởng GDP năm 2015 dự đoán ở mức dưới 7% - thấp nhất trong vòng 25 năm trở lại đây.
Thêm vào đó, thị trường chứng khoán vừa chứng kiến đợt lao dốc không phanh. Những chỉ số trên khiến giới lãnh đạo Trung Quốc lo lắng cho tình hình kinh tế đất nước sau khi áp dụng một loạt biện pháp khắc phục nhưng không mang lại hiệu quả.
Việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ sẽ làm cho hàng hóa của Trung Quốc trên khắp thế giới rẻ hơn rất nhiều và nền kinh tế Trung Quốc sẽ lấy lại được đà tăng trưởng nhờ lợi thế xuất khẩu.
Tuy nhiên, mục đích chính của quyết định này là cho phép thị trường tài chính linh hoạt hơn và có quyền can thiệp sâu vào việc xác định tỷ giá đồng nhân dân tệ - vốn được định giá theo đồng USD và bị hạn chế giao dịch tự do trên thị trường, đồng thời thúc đẩy mục tiêu đưa đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền quốc tế Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), hiện có mặt 4 đồng tiền chính là USD, euro, bảng Anh và yen Nhật.
Định giá đồng nhân dân tệ theo USD là điều có lợi cho Trung Quốc, ít nhất là cho tới thời điểm này. Các chương trình nới lỏng định lượng mà EU và Nhật Bản tiến hành đã dẫn tới thực tế là đồng euro và đồng yen đều trở nên yếu hơn so với USD, trong khi đồng nhân dân tệ vẫn duy trì tỷ giá ổn định so với đồng tiền quốc tế này.
Kể từ năm ngoái, khoảng tháng 6/2014, tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ đã ở mức cao nhất thế giới, tăng 13,5%, cao hơn hẳn so với tỷ giá hối đoái của đồng USD là 12,8%. Điều này khiến Trung Quốc không khó nhận ra rằng mối liên hệ chặt chẽ giữa đồng nhân dân tệ và USD chính là rào cản đối với sức cạnh tranh của Bắc Kinh với hai đối tác thương mại hàng đầu là Nhật Bản và EU.
Vì thế, không mấy ngạc nhiên khi IMF hoan nghênh quyết định phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. IMF cũng lưu ý rằng "tỷ giá hối đoái được quyết định bởi thị trường sẽ là nhân tố hỗ trợ hiệu quả hoạt động của SDR trong trường hợp đồng nhân dân tệ được tham gia vào giỏ tiền quốc tế này trong thời gian tới."
Giải thích về quyết định này, giới chức Trung Quốc nhấn mạnh đây là nỗ lực nhằm từng bước hoàn thiện cơ chế hình thành thị trường hóa tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ.
Giới chuyên gia có nhiều phản ứng trái chiều trước những diễn biến vừa qua tại Trung Quốc. Ông Stephen Roach - Cựu Chủ tịch Morgan Stanley khu vực châu Á - cảnh báo "nguy cơ ngày càng rõ ràng của một cuộc cạnh tranh hạ giá tiền tệ nghiêm trọng và khó lường hơn bao giờ hết."
Tuy nhiên, các nhà phân tích của HSBC tỏ ra thực tế hơn khi nhận định: "Áp lực giảm giá đối với tiền tệ châu Á phát sinh từ hành động của Trung Quốc sẽ nhanh chóng phai nhạt bởi Trung Quốc sẽ không tiếp tục giảm sâu tỷ giá đồng nhân dân tệ. Nếu làm vậy, họ sẽ tự mình đi ngược lại mục tiêu quốc tế hóa đồng nhân dân tệ."
Trong khi chờ đợi một hiệu ứng nào đó đối với toàn nền kinh tế, thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ đứng trước áp lực lớn, vốn đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp bất động sản sẽ tăng cao, bất cứ lúc nào cũng có thể dẫn tới làn sóng rút vốn khỏi Trung Quốc. Nếu dòng vốn tiếp tục chảy mạnh ra ngoài Trung Quốc, “cái được” của quyết định phá giá trên có thể sẽ không đủ bù “cái mất.”
Đó là chưa kể việc các nhà máy Trung Quốc thuê hàng triệu nhân công và sự giảm mạnh của đồng nội tệ sẽ ảnh hưởng tới đời sống người lao động, dẫn đến tình trạng mất việc hàng loạt, thậm chí có thể dẫn tới rối loạn xã hội.
Ở bên ngoài, quyết định bất ngờ của PBoC làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tiền tệ khi hàng loạt quốc gia châu Á phải đối mặt với áp lực phá giá đồng tiền để giữ tính cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu. Trong cuộc đua này, sẽ không ai giành được phần thắng.
Đã tròn 10 năm Trung Quốc tiến hành cải cách chính sách tỷ giá, tức là thúc đẩy thị trường hóa lãi suất và tự do hoá tỷ giá. Tuy nhiên, việc phá giá đồng nhân dân tệ càng bộc lộ rõ thực tế rằng nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với rủi ro “hạ cánh cứng”.
Nguồn Vietnam+