Đằng sau đà lao dốc của các đồng tiền mới nổi
Đà giảm điểm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu của các đồng tiền mới nổi trên toàn thế giới đang chuyển biến từ một sự kiện đáng chào mừng sang nỗi lo.
Cơn bán tháo các loại tiền tệ của thị trường mới nổi diễn ra chóng vánh nhưng mạnh mẽ đến nỗi các Chính phủ buộc phải can thiệp vì lo ngại lạm phát sẽ bùng lên hay dòng vốn đầu tư nước ngoài bị rút đi. Tất cả những hệ lụy này sẽ kéo lùi các nền kinh tế mới nổi trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang giảm tốc. Để đối phó, các nhà hoạch định chính sách từ Mexico tới Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ đều đã tung ra bạn pháp can thiệp như tăng lãi suất hoặc phát tín hiệu chấm dứt nới lỏng tiền tệ.
Các doanh nghiệp trên phố Wall không hề lạc quan. Ngân hàng Morgan Stanley nhận định sẽ có nhiều NHTW buộc phải hành động, trong khi Goldman Sachs cảnh báo sẽ đà giảm điểm sẽ không thể chấm dứt sớm
Có thể nhìn thấy những tổn hại đối với các nền kinh tế mới nổi qua các con số: 20 trong số 24 đồng tiền mới nổi được giao dịch nhiều nhất (theo xếp hạng của Bloomberg) đã giảm giá trong tháng vừa qua. Chỉ số tổng hợp tỷ giá trên các đồng tiền này đã giảm 8% kể từ đầu năm đến nay, xuống mức thấp kỷ lục kể từ năm 1993. Nếu tốc độ giảm không đổi, năm nay sẽ là năm tồi tệ nhất kể từ 2008.
Đồng ruble của Nga, peso của Colombia và Chile cùng với real của Brazil dẫn đầu xu hướng giảm, với mức giảm hơn 10% kể từ giữa tháng 5 đến nay. Đồng đôla Hồng Kông (vốn được neo vào USD) giảm ít nhất (0,02%).
Sau khi NHTW Nga hạ lãi suất hôm thứ Sáu (30/7), đồng ruble tiếp tục giảm thêm 3% tính đến cuối phiên chiều. Nga đã phải ngừng mua vào USD để xây dựng dự trữ ngoại hối sau khi đồng ruble lao dốc và xóa sạch gần như toàn bộ số điểm đã tăng được từ đầu năm.
Đồng baht Thái cũng giảm xuống mức thấp nhất 6 năm, trong khi đồng rand của Nam Phi rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 1 thập kỷ.
Lý do đằng sau hiện tượng này khá dễ hiểu. Lãi suất ở Mỹ được dự báo sẽ tăng lên trong thời gian tới và ảnh hưởng đến các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Cùng lúc đó, giá các hàng hóa giúp các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây đang giảm mạnh.
“Các NHTW đang cố gắng chuẩn bị trước cho những biến động mạnh có thể xảy ra khi Fed quyết định nâng lãi suất”, James Lord – chiến lược gia đến từ ngân hàng Morgan Stanley – nhận định. Nhiều nước đã thất bại trong việc triển khai các biện pháp cải cách trong suốt thời kỳ kinh tế bùng nổ, do đó họ không thể bảo vệ nền kinh tế trước các cú sốc.
Còn Christan DiClementi, chuyên gia đến từ AllianceBernstein, cho rằng các nước xuất khẩu hàng hóa đang điều chỉnh lại chính sách tài khóa sao cho phù hợp hơn với thực tế và điều này cần thời gian để hoàn thành.
Với các nước như Indonesia và Colombia đang có thâm hụt cán cân vãng lai gần cao kỷ lục, nội tệ giảm giá là “một điều chỉnh cần thiết để giải quyết tình trạng mất cân bằng”, chuyên gia của Goldman Sachs nhận định. Ông dự báo đà giảm sẽ tiếp tục vì các Chính phủ vẫn đang cố gắng thích nghi với một môi trường toàn cầu tệ hơn.
Có dự trữ ngoại hối ở mức kỷ lục 7.500 tỷ USD, các nước phát triển đã có những công cụ để giữ cho đà giảm giá tiền tệ không đến mức gây xáo trộn. Pablo Cisilino, chuyên gia quản lý tiền tệ đến từ Stone Harbor Investment Partners, cho rằng miễn là tỷ giá vẫn linh hoạt, các thị trường mới nổi sẽ tránh được bất kỳ cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nào.
NHTW Mexico đã mở rộng chương trình can thiệp vào thị trường bằng cách tăng gấp 4 lượng USD bán ra hàng ngày, lên 200 triệu USD. Lãi suất cơ bản của Mexico đang ở mức thấp kỷ lục 3% và được dự báo sẽ tăng lên trong quý III.
Đồng real của Brazil đã giảm 21% kể từ đầu năm đến nay và nước này đang có nguy cơ mất mức xếp hạng đáng để đầu tư vì thâm hụt ngân sách. NHTW Brazil cũng vừa nâng lãi suất trong tuần qua, lên mức 14,5% - cao nhất trong số các nền kinh tế lớn.
Các NHTW trên toàn châu Phi cũng mạnh tay nâng lãi suất để ngăn chặn đồng nội tệ giảm giá. Nam Phi, Uganda, Angola, Kenya và Ghana đều đã thắt chặt chính sách để chống lại lạm phát.
Ở Malaysia, các nhà hoạch định chính sách đã can thiệp vào thị trường tiền tệ bằng cách bán dự trữ ngoại tệ để hỗ trợ đồng ringgit hiện ở mức thấp nhất 16 năm.
S&P dự báo NHTW Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ trong 18 tháng tới.
Và ở Colombia, đồng peso đã giảm 17% kể từ đầu năm đến nay.
Dù tăng trưởng đang giảm tốc, NHTW của các thị trường mới nổi đang nhận ra rằng ổn định tiền tệ là điều quan trọng hơn so với tăng trưởng bằng mọi giá.
Nguồn Trí thức trẻ/Bloomberg