Người dân mua rau tại một khu chợ ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.
Đằng sau cơn hoảng loạn mua sắm thực phẩm ở Trung Quốc
Không có gì hệ trọng đối với Bắc Kinh hơn tình hình an ninh lương thực. Trong nhiều thế kỷ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã phải vật lộn với vô vàn thách thức trong đảm bảo nguồn cung lương thực cho dân số đông và không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, nỗ lực mới nhất từ chính phủ Trung Quốc, nhằm xoa dịu những lo ngại liên quan tới giá và nguồn cung thực phẩm, dường như lại đang vượt ra ngoài tầm kiểm soát.
Một văn bản về công tác dự trữ thực phẩm từ Bộ Thương mại Trung Quốc vô tình làm dấy lên tình trạng mua sắm và đầu cơ “cuồng loạn” từ phía người dân trong tuần qua.
Người dân xếp hàng mua thực phẩm ở một siêu thị tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: EPA. |
Theo CNN, thông báo này dường như không có gì khác biệt so với các văn bản thông thường mà chính phủ Trung Quốc đã ban hành trong quá khứ khi nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác dự trữ thực phẩm.
Theo đó, văn bản này yêu cầu các địa phương phải đảm bảo mọi người dân được tiếp cận với “nguồn cung đầy đủ các mặt hàng thiết yếu” trong mùa đông năm nay. Văn bản cũng yêu cầu chính quyền phải giữ ổn định giá thực phẩm, nguồn cơn cho không ít lo ngại trong vài tuần trở lại đây, khi các hình thái thời tiết cực đoan, tình trạng thiếu điện và các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đang đe dọa tới nhiều chuỗi cung ứng.
Nhưng công văn được gửi đi hôm 1/11 lại thu hút sự quan tâm lớn từ phía người dân Trung Quốc.
Sự quan tâm bắt nguồn từ những ngôn từ hiếm gặp, qua đó yêu cầu chính quyền các địa phương khuyến khích người dân dự trữ “các hàng hóa thiết yếu thường nhật”, cho dù công văn này không có chủ đích gửi tới các hộ gia đình, nhưng nhiều người cho rằng đó chính là một lời cảnh báo.
“Chính phủ không yêu cầu chúng tôi dự trữ hàng hóa khi dịch COVID-19 nổ ra vào đầu năm 2020”, một người dân viết trên mạng xã hội Weibo.
Phản ứng từ phía người dân từ đó ngày một nghiêm trọng hơn. Một video đăng tải trên mạng xã hội Weibo cho thấy những hàng dài người mua sắm trong các cửa hàng tạp hóa tại thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô. Những xe đẩy hàng chất đầy hàng hóa trong khi các kệ hàng lại rơi vào trạng thái trống trơn.
Thực phẩm là vấn đề hết sức nhạy cảm tại Trung Quốc. Nạn đói khủng khiếp tại Trung Quốc xảy ra trong những năm 1950, 1960 đã khiến cho hơn 10 triệu người thiệt mạng.
Thảm kịch đó vẫn còn hiện rõ trong tâm trí nhiều người dân Trung Quốc. Trong khi nền kinh tế Trung Quốc đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, những nỗi lo về thảm họa năm nào vẫn tồn tại. Chính phủ Trung Quốc trong thời gian gần đây phải ban hành một kế hoạch hành động khuyến khích người dân không mua thực phẩm vượt quá nhu cầu thực tế, đồng thời tố giác những nhà hàng lãng phí thức ăn.
Hiện, tình trạng hỗn loạn gây ra bởi thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc vẫn diễn biến tương đối phức tạp. Thậm chí, nó còn được đồn đoán có liên quan tới mối quan hệ căng thẳng giữa Bắc Kinh và Đài Bắc. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một “phần lãnh thổ không thể tách rời”, tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần.
Không có bằng chứng nào chứng minh những đồn đoán Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh. Nhưng tình trạng hỗn loạn phần nào cho thấy những căng thẳng đang ngày một leo thang, theo giáo sư lịch sử Willy Lam tại Đại học Hồng Kông.
“Đó là sự phản ánh tình hình căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và các bên láng giềng”, ông Willy Lam cho biết.
Ông Lam cũng chỉ ra một số quan ngại kinh tế có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng hiện tại. Sự thiếu hụt điện đã buộc nhiều nhà máy phải tạm dừng sản xuất và các hộ gia đình phải đối mặt với lịch cắt điện luân phiên - những vấn đề trong một vài trường hợp “xảy ra mà không có sự thống báo trước từ phía chính quyền”, ông nói.
"Tịnh trạng đó còn phản ánh sự quan ngại của người dân liên quan tới việc tăng giá thực phẩm, đồng thời là sự thiếu tin tưởng vào công tác điều hành, lãnh đạo của chính phủ”, ông Lam bổ sung.
Quan chức Bộ Thương mại Zhu Xiaoliang chia sẻ rằng Trung Quốc vẫn còn có rất nhiều nguồn cung cấp thực phẩm. Ông Zhu nhấn mạnh rằng văn bản gửi đi trước đó chỉ có diện áp dụng là chính quyền các địa phương.
Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp tỉnh Giang Tô, trong khi đó, thừa nhận những lo ngại về “các nguồn cung hàng hóa khẩn cấp” trên tài khoản WeChat hôm 2/11. Nhưng cơ quan này cho biết những khuyến cáo tích trữ hàng hóa là “bình thường” và có mục đích “nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng ngừa thảm họa”.
Sự quyết tâm của chính phủ khi áp dụng chiến lược zero COVID, ngay cả khi phần lớn các quốc gia trên thế giới đã mở cửa và chấp nhận sống chung với dịch bệnh, cũng có thể là một tác nhân trong sự việc lần này. Chỉ một ca lây nhiễm mới cũng khiến cho chính quyền các địa phương áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn, phong tỏa toàn bộ khu vực, tiến hành xét nghiệm và cách ly trên quy mô lớn.
Những biện pháp đó “sẽ ảnh hưởng tới việc người dân ra ngoài mua sắm, đồng thời là thời gian hoạt động của các khu chợ và siêu thị”, theo chuyên gia phân tích cấp cao Chenjun Pan tại Rabobank.
Lãnh đạo Wang Hongcun tại Phòng thương mại thành phố Bắc Kinh thừa nhận rằng những biện pháp phòng dịch mạnh tay có thể là nguyên nhân khiến gia thực phẩm bị đẩy lên. Bên cạnh đó, giá cước vận chuyển liên vùng cũng sẽ tăng. Ông chỉ ra rằng giá một số mặt hàng rau đang bán tại thủ đô đã tăng ít nhất 50% so với tháng 10.
Ông Lam cho biết Bắc Kinh sẽ không thay đổi quan điểm phòng chống dịch, đồng nghĩa với việc các thành phố sẽ phải chuẩn bị cho những đợt phong tỏa dài ngày khi chính quyền Trung Quốc nỗ lực giữ số lượng ca nhiễm COVID-19 ở mức thấp.
“Mọi người phải chuẩn bị cho thực tế rằng các điều kiện phong tỏa sẽ tiếp tục được áp dụng, cho dù số lượng ca nhiễm tại Trung Quốc trên thực tế thấp hơn nhiều nếu so sánh với các quốc gia khác”, ông Lam bổ sung.
Có thể bạn quan tâm: